Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết bị biến chứng nặng

Thấy người bị sốt, chị Thu (Hoàn Kiếm, Hà Nội) mua thuốc về uống nhưng sau 3 ngày vẫn không đỡ mà còn thấy đi tiểu ra máu, xuất hiện nốt mẩn đỏ dưới da. Chị phải đi cấp cứu trong tình trạng sốt cao li bì, trụy mạch.

Chị Thu bị sốt xuất huyết nặng, tiểu cầu giảm nhanh, có thể xuất huyết não và phải cấp cứu truyền tiểu cầu.

Bác sĩ Chu Thị Dự, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cho biết, trường hợp của chị Thu không phải là hiếm trong dịch sốt xuất huyết hiện nay. Trước đó, ngày 6/10, bệnh viện cũng tiếp nhận một ca sốt xuất huyết dạng Dangue độ 2, tiểu cầu giảm dưới 1 (đây là mực tiểu cầu rất thấp, bình thường dưới 50 đã phải truyền tiểu cầu). Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng bị xuất huyết đường tiêu hóa, tổn thương gan, men gan tăng. Virus đã đánh thẳng vào gan, gây tổn thương gan và làm giảm tiểu cầu.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm chen chúc trên các giường điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Ảnh: Nam Phương.

Chỉ ít ngày sau đó, cơ sở này lại phải chuyển một bệnh nhân nặng lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Đây là một nam thanh niên 31 tuổi, sau 2 ngày bị sốt vào viện xét nghiệm đã thấy tiểu cầu giảm nhanh. Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm cơ tim. Nguyên do có thể là virus tấn công thẳng vào cơ tim.

Theo bác sĩ Dự, năm nay virus sốt xuất huyết có độc lực cao, đánh thẳng vào gan hoặc các tạng khác gây viêm tụy cấp, tăng men gan, tràn dịch màng phổi. Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân giảm tiều cầu nặng, sốc, trụy mạch...

"Cũng vì có nhiều ca nặng, lại thêm số lượng bệnh nhân đông (các giường đều ghép 2-4 người) nên bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu tiểu cầu trầm trọng. Có bệnh nhân đợi 1-2 ngày vẫn chưa có tiểu cầu để truyền", bác sĩ Dự cho biết.

Đối với bệnh nhân xuất huyết nặng, tình trạng tiểu cầu giảm rất nguy hiểm. Nếu bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong. Vì thế, bệnh viện phải ưu tiên truyền cho những ca nặng hơn (tiểu cầu giảm cực thấp hoặc xuất huyết). Những trường hợp nào không đợi được, phải vận động người nhà hiến máu.

Bác sĩ Trần Duyên, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cũng cho biết, nếu như trong tháng 7, bệnh viện chỉ sử dụng 17 đơn vị tiểu cầu thì đến tháng 9, bệnh viện đã truyền khoảng 55 đơn vị.

Tại Bệnh viện Xanh Pôn, số ca nhập viện do sốt xuất huyết cũng tăng rất nhanh trong thời gian gần đây. Theo một bác sĩ của bệnh viện này, số ca đến khám nhiều đến mức bệnh viện chỉ đủ chỗ thu dung các bệnh nhân rất nặng, còn các bệnh nhân nhẹ (tiểu cầu giảm ít) đành phải cho về chữa ở nhà.

Tình hình tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng tương tự. Nhu cầu về tiểu cầu để điều trị sốt xuất huyết tăng 4-5 lần. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10-15 bệnh nhân cần được truyền máu, tiểu cầu. Bệnh viện cũng đăng kí lấy máu tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương nhưng mỗi lần chỉ được lấy khoảng 4 đơn vị tiểu cầu và chỉ sử dụng cho những trường hợp bệnh quá nặng.

Giải thích về vấn đề thiếu tiểu cầu, ông Ngô Mạnh Quân, thuộc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, do dịch sốt xuất huyết năm nay bùng phát mạnh nên nhu cầu về tiểu cầu của các bệnh viện rất cao. Nhưng lượng người hiến máu tình nguyện ít nên không thể thu gom, phân tách được đủ lượng cần thiết (để có được một đơn vị tiểu cầu phải trộn 4 đơn vị máu, tương đương 4 người cho cùng nhóm máu).

VNE

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét