Chảo tự chế nguy hiểm

Đến nay, thân nhân và nhiều người ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú (An Giang) vẫn chưa hết bàng hoàng bởi vụ tai nạn dẫn đến cái chết của anh Lê Văn Đặng (21 tuổi) vì chảo trộn thức ăn cho cá.

Một kiểu đứng làm bên chảo trộn thức ăn cho cá rất dễ gặp nguy hiểm - Ảnh: Đ.Vịnh

Đó là một trong rất nhiều vụ tai nạn chết người oan uổng hoặc tàn phế đối với người lao động ở nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong khi đó, chảo trộn thức ăn tự chế gây ra các tai nạn ấy đang được trang bị, sử dụng rất phổ biến trong các trang trại nuôi thủy sản ở khu vực này.

Sơ sẩy là chết người

Vụ tai nạn với anh Lê Văn Đặng xảy ra cách nay chỉ hơn nửa tháng. Theo em Bùi Hữu Luân - người làm công cho một trại nuôi cá ở xã Khánh Hòa, anh Đặng là người ở gần nên thỉnh thoảng ghé trại và phụ làm giùm việc nấu thức ăn cho cá. Hôm đó, anh Đặng vào xới thức ăn trong chảo nấu đang quay. Trong lúc Luân đang loay hoay phía ngoài thì nghe tiếng la thất thanh: “Tắt máy! Tắt máy... Luân ơi!”. Khi Luân chạy vào thì anh Đặng đã bị cuốn vào chảo, một cánh tay còn cố vẫy kêu cứu. Khi mọi người đổ xô đến, tắt được máy thì anh đã nằm bất động và bị kẹt giữa trục quay của chảo.

Ngay ở xã Khánh Hòa còn có một nạn nhân nữa là chị Võ Thị Bích cũng bị trục quay của chảo cuốn vào, quật chết ngay trong lúc trộn cám nấu thức ăn. Còn ở xã Mỹ Phú kế bên, mới đây có anh Nguyễn Đức Long (22 tuổi) tử vong khi bị lọt vào chảo nấu thức ăn, để lại nhiều đau khổ cho người thân bởi anh là con trai duy nhất trong nhà.

Người dân ấp Hòa Tây 1, xã Phú Bình, Phú Tân (An Giang) vẫn còn đầy thương cảm khi kể về cái chết của người vợ một gia đình nghèo ở nơi khác đến làm thuê nuôi cá tra. Trong lúc đang làm, chị vợ bị trục quay quấn mái tóc vào chảo nấu. Khi chồng tắt được máy, trục ngừng quay thì thân thể người vợ đã mềm nhũn, bê bết máu, tử vong. Quá đau đớn, sau đó người chồng dắt đứa con mới lên 5 bỏ đi nơi khác.

Ngoài ra, ở An Giang còn có rất nhiều người bị tàn phế vì chảo chế biến thức ăn nuôi cá, trong đó có anh Trần Văn Đức, nuôi cá ở Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú). Anh gặp tai nạn khi đang xúc cám thì chiếc len xới bị vướng vào bộ phận quay làm anh ngã dúi vào chảo. Anh may mắn thoát chết nhưng bị gãy năm xương sườn, giãn khớp bả vai và giập nát phần đầu bàn chân phải. Gia đình đã tốn kém 60 triệu đồng để lo phẫu thuật, chữa trị mà đến nay anh đi lại vẫn khó khăn, không làm lụng gì được nữa.

Còn chị Võ Thị Bụp, xã Phú Bình, huyện Phú Tân, chỉ vì một chút sơ sẩy cũng bị trục quay của chảo nấu quấn lấy gây chấn thương nặng lồng ngực, cánh tay trái nát nhừ, vỡ hàm, gãy bốn răng, tốn kém 50 triệu đồng chữa trị nhưng phải tháo khớp một cánh tay.

Sản phẩm không an toàn vẫn phải xài

Các chảo trộn thức ăn cho cá thường có đường kính 1,5-3m, trong lòng chảo có lắp bộ trục quay, hoạt động nhờ động cơ nổ có công suất lớn để đảo trộn thức ăn. Nhiều hộ nuôi cá nhìn nhận các chảo hiện nay không đảm bảo an toàn. Bởi khi sử dụng bộ phận quay cứ quay liên tục, còn người nấu thức ăn cầm len đứng trên miệng lò đút vào chảo để xới, xúc cám ra nên rất dễ bị trục quay quật, cuốn làm trượt ngã vào chảo.

Trong khi đó, công việc thường xuyên nặng nhọc, hơi nóng từ lò phà ra, máy quay công suất lớn nổ ầm ì làm con người mất tập trung. Bà con cho rằng khi sử dụng chảo “phải hết sức cảnh giác và cẩn trọng, vì chỉ cần sơ suất một tí là chết ngay”.

Thế nhưng nghề nuôi cá tra xuất khẩu phát triển mạnh ở ĐBSCL, nhu cầu về máy móc, thiết bị phục vụ việc chế biến thức ăn nuôi cá của người dân là rất lớn. Do đó những cơ sở cơ khí tư nhân đã tự mày mò chế tạo, lắp ráp máy chế biến, chảo trộn thức ăn để cung cứng, phục vụ người nuôi cá. Mặc dù chưa đảm bảo an toàn nhưng loại chảo trộn thức ăn tự chế ấy giảm được gánh nặng, giảm được nhiều công lao động cho người nuôi cá nên rất hút hàng.

Vì vậy cùng với sự phát triển của nghề nuôi cá, các cơ sở sản xuất chảo trộn thức ăn cũng xuất hiện tại rất nhiều nơi ở các vùng nông thôn ĐBSCL. Nhưng sản phẩm do họ chế tạo ra không được các cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra, kiểm định tiêu chuẩn chất lượng, mức độ an toàn.

Vì vậy khi người dân mua về sử dụng thì bên cạnh những tiện dụng trong việc trộn thức ăn, những chiếc chảo đó đã trở thành thiết bị gây ra không ít tai nạn, hậu quả như đã kể trên. Thế nhưng theo nhiều người nuôi cá, không mua các chảo tự chế đó thì đâu có máy móc nào khác để mua mà sử dụng...

tuoitre

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét