Nữ giang hồ trở thành khắc tinh HIV/AIDS

Nghiện ma túy nặng, từng là gái làng chơi, khét tiếng với chuyện trốn trường trốn trại, thế nhưng khi quyết định "cải tà quy chính", Trương Thị Hồng Tâm đã trở thành một tuyên truyền viên HIV xuất sắc tại TP HCM.

Thân gầy gò teo quắt, song sáng nào cũng vậy, sau khi đưa 4 đứa con nuôi nhiễm HIV đến trường, chị lại lang thang đi tìm gái mại dâm, dân nghiện hút nhằm giúp họ cách phòng chống căn bệnh thế kỷ. Đó là công việc của chị, "nữ đại bàng" 54 tuổi, ngụ tại Gò Vấp - người mà giới lang thang cơ nhỡ tại Sài Gòn vẫn gọi với cái tên thân mật: Tâm sida.

Sinh ra trên cù lao bên kia sông Sài Gòn, giờ là quận 2, cuộc đời của Tâm sida bắt đầu thay đổi khi mới hơn 10 tuổi. Cha mẹ bất hòa, rồi mẹ đi lấy chồng cha đi lấy vợ, mất phương hướng, không nơi nương tựa, buồn chán lại bị bạn bè rủ rê cám dỗ, cô nữ sinh trung học duyên dáng trở thành con nghiện.

“Tôi bắt đầu chơi bạch phiến từ năm 14 tuổi, năm 1976 thì bị bắt, tiếp sau đó là những tháng ngày liên tu bất tận vào trường ra trại. Họ bắt vô, tôi tìm cách thoát ra như bắt cóc bỏ đĩa. Bạn bè tôi là gái mại dâm, là dân chích hút, xem tôi như một con liều bởi tôi sống buông thả, tìm vui trong cơn phê thuốc. Nhưng rồi mọi việc bắt đầu thay đổi khi tôi gặp được những người làm công việc mà tôi đang làm bây giờ", chị Tâm nheo nheo mắt kể về những khúc quanh của đời mình.

Chị Tâm cùng hai con đến trường. Ảnh: Thiên Chương.

Sau một thời gian được hai cậu tuyên truyền viên "mặt búng ra sữa" tác động, đầu năm 1992, Tâm xì ke quyết định cai ma túy để trở thành Tâm chống sida. Vậy là kể từ thời điểm mà chị Tâm gọi là "cái mốc lịch sử" đó đến nay, ngày nào cũng thế, trong vai trò tuyên truyền viên cho các tổ chức phòng chống tệ nạn xã hội, Hồng Tâm xì ke lân la đến các công viên, các tuyến đường thường xuyên có gái mại dâm đứng đón khách và những "động hút" vốn đã quen thuộc, để vận động "chiến hữu" thôi đừng chơi hoặc nếu chơi thì phải có giữ mình không bị lây nhiễm.

"Tôi từng như họ nên không ai hiểu họ bằng tôi. Người khác khuyên họ không nghe, nói chuyện vài câu họ đã lẩn tránh nhưng với tôi, có khi chỉ cần vài câu nói, họ đã bắt đầu thấy thấm. Đó không phải bí quyết cao siêu mà đơn giản chỉ là sự quan tâm và đồng cảm thực sự", chị Tâm nói.

Thu nhập từ công việc không kiếm được nhiều tiền, song khi các chị em muốn có vốn mua bán rau cải ở chợ để từ bỏ nghề đứng đường, Tâm sida sẵn sàng móc tiền túi chi viện. Tính ra, số tiền mà chị Tâm bỏ ra trong 17 năm qua đã lên đến vài chục triệu đồng.

Là người chịu ơn "má Tâm", nay đã là chủ một quầy rau nhỏ ở chợ, Thủy, nhà ở Thủ Đức từng là gái mại dâm xúc động nói: "Tôi không thể nào quên được bàn tay ấm áp của má, ngày đó, nếu không có 500 nghìn đồng của má Tâm, tôi đã không được ngày nay".

Còn với anh Tuấn nhà ở Bình Thạnh, Linh còi (quận 6), Đoàn bột (quận 12), "nếu không có chị Tâm hằng đêm cung cấp ống kim tiêm mới và khuyên lơn bỏ thuốc, thì giờ đây chúng tôi có lẽ đã gần đất xa trời".

"Bề ngoài của họ là thế nhưng ai cũng có những khát khao thầm kín muốn trở lại với đời, cái chính là họ không thể tìm ra chỗ vịn. Và tôi nghĩ mình nên làm điều đó", chị Tâm nói.

Từng làm việc với chị Tâm và chứng kiến sự thay đổi của chị trong gần 20 năm qua, bác sĩ Trần Thịnh, Phó chánh văn phòng Ủy ban phòng chống HIV/AIDS TP HCM cho biết, trong những người trở về với cuộc sống, chị Tâm xứng đáng xem là một tấm gương.

Ông Thịnh nhận xét về người phụ nữ này: thẳng tính, giàu lòng yêu thương, ngoài vài chục trẻ tại mái ấm Hy vọng thành lập từ năm 2000 đến 2005, từ đó đến nay, chị đã trở thành chiếc phao cho hằng trăm anh chị em bám víu. Lúc xin được tiền tài trợ thì chị cho tiền làm vốn; không có tiền thì chị mua cho vài chục ống kim tiêm; kém hơn nữa thì chạy khắp nơi vay mượn.

"Gái mại dâm được chị đưa đến khám đôi khi thiếu tiền thử máu, xét nghiệm do các dự án đôi khi chỉ chi có hạn, chị Tâm sẵn sàng bỏ tiền túi không hề suy nghĩ, tính toán", ông Thịnh nói.

Phớt lờ khi được hỏi về những khó khăn trong công việc, chị Tâm chỉ cười thật tươi, nụ cười hoàn toàn khác hẳn với một người mắc chứng lao phổi ở tuổi ngoài 50: "Không đẻ chửa nhưng cháu nội cháu ngoại đầy đủ. Bệnh tật thì con cháu, em út ghé thăm. Tết năm nào cũng đoàn tụ. Đây chính là niềm an ủi lớn nhất khiến tôi vững bước với công việc. Với tôi thế đã là mãn nguyện lắm rồi".

Không chỉ nhận được sự quan tâm của những người mà mình đã giúp đỡ, hiện chị Tâm còn có một niềm vui khác, chính là sự khỏe mạnh của 4 đứa con "ngang hông" vốn nhiễm HIV mà chị đang cưu mang.

Ngày chị mang chúng về, bé lớn nhất chỉ ngoài 4 tuổi, đứa nhỏ mới quá thôi nôi và đứa nào cũng gầy gò xanh xao vì bệnh tật. Bố mẹ các bé đều chết vì bệnh AIDS. Thế nhưng hôm nay, nhìn những đứa trẻ tươi tắn hồng hào, không ai dám nghĩ chúng đang mang trong người dòng máu HIV.

Trong căn nhà nhỏ thuê với giá 2 triệu đồng mỗi tháng trên đường Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp, người mẹ gầy còm dù phải chạy ăn từng bữa. Song vì không muốn các con phải suy kiệt bởi bệnh tật, chị đã nhịn ăn nhịn mặc để mua máy vi tính, sắm tivi, truyện tranh, bút màu cho các con.

"Con tôi là hàng dễ vỡ, muốn chúng sống khỏe quan trọng nhất là phải đáp ứng tinh thần, dinh dưỡng rồi mới đến thuốc. Chính vì thế, nhìn căn nhà thuê của tôi, không ai nghĩ tôi nghèo. Nhiều nhà từ thiện đến thăm, thấy quá đầy đủ nên quầy quả đi luôn", chị Tâm nói.

Ngày nào cũng thế, cứ mỗi sáng, sau khi đưa các con đến trường, chị Tâm lại lao vào công việc. Lịch của chị gần như dày kín suốt tuần bởi những cuộc hẹn để nói chuyện với Tuyết đen, Thư điệu, Tuấn còi... Lấy niềm vui và sự an lành của người khác làm sức sống cho mình, chị Tâm gần như đã quên đi khả năng đề kháng trong cơ thể chị vốn còn rất ít so với người không mang bệnh.

Tai nạn xảy ra trong một lần tiếp xúc đối tượng đã khiến chị mắc AIDS, thế nhưng khi được đề cập đến ước mơ, chị Tâm đáp ngắn: "Tôi chỉ muốn mình có được một giấy chứng minh nhân dân giống như mọi người để tiếp tục cống hiến".

Không bàn đến sức khỏe cũng không đề cập đến quyền lợi bản thân là bản tính của Tâm giang hồ một thời vẫy vùng, song có lẽ tự bản thân cảm nhận được những cơn đau do bệnh đang ngấm ngầm kéo về, người phụ nữ gầy nhom luôn dạy các con phải biết sống tự lập. "Để mai này mẹ có chết đi, các con không sa ngã như bố mẹ con ngày trước".

VNE

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét