Thu hồi hay không thuốc giảm cân Reductil?

Ngày 5-2, vài trang web trong nước (1) đưa tin: “Thuốc giảm cân Reductil bị cấm lưu hành tại Bỉ vì nguy cơ tim mạch”. Bốn tuần đã trôi qua, từ Hãng thuốc Abbott đến Bộ Y tế vẫn chưa có ý kiến gì. Thực hư về loại thuốc có thể “chết người” này như thế nào?

Thuốc giảm béo Reductil với hai loại có liều lượng 10 và 15mg/viên - Ảnh: M.Đ.

Thật ra, việc Bỉ thu hồi thuốc này chỉ là hồi cuối của cả một pho truyện dài về chất sibutramine. Trước đó, hôm 22-1-2010, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã khuyến cáo Ủy ban châu Âu (tức cơ quan hành pháp chung của EU) thu hồi tất cả các loại thuốc có chứa chất sibutramine (tên thương mại là Reductil, Sibutral, Meridia...) trên toàn châu Âu (2).

Sibutramine là một chất có tác động đến hệ thần kinh dẫn, làm tăng lượng sérotonine và noradrénaline trong não, từ đó tạo ra cảm giác no nên không cảm thấy thèm ăn. Và khi không thèm ăn nữa sẽ thôi không nạp vào, sẽ giảm cân. (Đây chính là giải pháp căn cơ cho bất cứ ai muốn giảm cân song cứ ốm rồi lại mập, do nhịn quá đâm thèm ăn, ăn trả bữa rồi lại béo ra).

Nếu cứ yên ổn như thế, sibutramine sẽ là thần dược! Phiền toái ở chỗ chất này gây nguy cơ tai biến tim mạch. Một nghiên cứu theo dõi trong suốt năm năm ở 9.805 người sử dụng thuốc này cho thấy sự gia tăng nguy cơ tai biến tim mạch nơi những người này so với nhóm đối chứng chỉ dùng giả dược, đặc biệt ở những người có sẵn nguy cơ tim mạch. Đáng nể là chính nhà sản xuất đã thực hiện khảo sát này theo yêu cầu của cơ quan quản lý dược phẩm (3).

Ở Mỹ, FDA (Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm liên bang) cũng đã đặt thuốc này và một loại thuốc khác là Xenical (có cơ chế khác hẳn, tác động chặn chất béo nơi bộ máy tiêu hóa) trong tầm ngắm (4).

Thuốc này bắt đầu được lưu hành ở châu Âu từ đầu những năm 2000, ở Pháp từ năm 2001. Ở VN cũng chỉ ít lâu sau. Khác với VN, ở châu Âu - Pháp chẳng hạn - chỉ các chuyên khoa nội tiết, tim mạch mới được chỉ định sử dụng thuốc này lần đầu cho những ai có nhu cầu giảm cân thật sự là chỉ số BMI (cân nặng/chiều cao) cao hơn 30 hoặc chỉ 27 song có kèm theo bệnh đái tháo đường type 2 hay rối loạn lipid. Các bác sĩ khác không được phép kê toa, trừ phi căn cứ theo chỉ định ban đầu của bác sĩ chuyên khoa. Chưa hết, thuốc này hoàn toàn bị cấm chỉ định đối với những người có bệnh tim mạch, cao huyết áp... Tất nhiên thuốc này chỉ được bán trong các nhà thuốc theo toa.

Trong khi đó ở VN, thuốc này được bán tự do và ai muốn uống cũng được. Trên một số trang web, nhiều chị em hồn nhiên rủ nhau dùng thuốc (5), dù cũng có những cảnh báo rất chân tình: “Thuốc này bên Mỹ bị liệt vào dạng thuốc kê toa, vào VN làm sao ấy thành thuốc không kê toa. Tác dụng phụ rất kinh khủng, không tin hỏi dược sĩ (bán hàng không hưởng hoa hồng) thì biết. Năm ngoái em mua một vỉ, uống một viên vào buổi sáng sau khi ăn sáng, sau đó đầu óc quay cuồng, đau đầu, buồn nôn... không biết mặn nhạt gì. Mất hết vị giác, sau một thời gian dài em mới phân biệt lại được vị giác đấy. Uống được năm viên thì em đầu hàng”.

Trong thị trường “tự do” tuyệt đối ấy, không có nhiều giải thích hay khuyến cáo tương xứng với mức độ quan tâm trao đổi về việc giảm béo bằng loại thuốc này như có thể thấy trên mạng. Trong khi đó lại đầy rẫy cảnh báo về nguy cơ béo phì cùng thực trạng béo phì ở VN ngày càng tăng. Đặc biệt, bốn tuần sau những tin tức đầu tiên về việc thu hồi thuốc này ở châu Âu vẫn là một sự thả nổi thông tin, chưa thấy có loan báo gì.

Hi vọng do có chất sibutramine liên quan đến sinh mạng con người, Bộ Y tế sớm có thông cáo hướng dẫn.

TTO

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét