Bi hài bác sĩ gặp nạn vì bệnh nhân

Ảnh: MT.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động Hà Nội. Ảnh: MT.

Đang thiu thiu nằm nghỉ trưa tại phòng khám, thấy có cảm giác là lạ, bác sĩ mở choàng mắt ra thì thấy một nam thanh niên nằm cạnh, mắt nhìn mình... âu yếm. Đó là một bệnh nhân vừa được anh khám "vùng kín" sáng nay.

Đây là tai nạn mà bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, phòng khám nam, Viện phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng nhớ mãi.

Anh kể, đó là tình huống khó xử anh gặp phải khi khám cho một bệnh nhân là người đồng tính. Khi khám, chàng thanh niên tầm 25 tuổi này cố tình phô bày "của quý" và muốn bác sĩ đụng chạm vào. Sau đó, khi bác sĩ đã khám xong, bệnh nhân cố hỏi đi hỏi lại thật nhiều để kéo dài thời gian và nhờ "khám" tiếp. Đến khi bác sĩ phải nói khéo có nhiều bệnh nhân đang đợi, anh ta mới ra về.

Thế nhưng, buổi trưa, đang chập chờn trong giấc ngủ ngắn, bác sĩ giật mình khi phát hiện bệnh nhân này đã lẻn vào phòng khám và mon men vào giường anh, nằm cạnh. Mãi đến khi bác sĩ phải nổi nóng, đuổi thẳng cổ thì anh ta mới tẽn tò bỏ về.

Bác sĩ Hưng cho biết, đó không phải là lần đầu tiên anh bị bệnh nhân gay "quấy rối". Ban đầu, anh coi đây là một bệnh nhân khó tính, cố gắng nhã nhặn trả lời hết thắc mắc của họ. Nhưng khi nhận thấy khách hàng đặc biệt này thái quá như cố sán gần bác sĩ, có những hành động sỗ sàng, thích đụng chạm... thì anh phải nói cứng ngay, thậm chí đuổi cả bệnh nhân ra khỏi phòng khám.

Còn bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Thái Hà, Hà Nội) thì vẫn nhớ như in một ca khiến mình và các đồng nghiệp mất ăn mất ngủ mấy tháng trước.

Theo lời bà kể, hôm đó, phòng khám của bà tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị rách cùng đồ do quan hệ tình dục quá mạnh, phải tiến hành khâu cầm máu. Như nhiều trường hợp khác, trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân đã được xét nghiệm máu, thử HIV... Vì phần rách ở khá sâu, sau hố âm đạo, khi thực hiện thao tác khâu, bác sĩ vô tình chọc kim vào tay mình và bị chảy máu. Tuy nhiên, lúc đó, bà không muốn dừng lại xử lý vết thương của mình mà cố gắng hoàn tất thủ thuật cho bệnh nhân. Đến khi xong việc, bà mới tá hỏa khi nghĩ đến khả năng mình có thể bị nhiễm HIV từ việc này.

"Nếu bệnh nhân bị bệnh ở giai đoạn 3 tháng đầu, xét nghiệm là âm tính nhưng họ vẫn có khả năng lây bệnh cho mình. Vì thế, tôi lo đến mất ăn mất ngủ, phải giục cả kíp cấp cứu hôm đó đi xét nghiệm HIV, đến khi có kết quả âm tính mới thở phào được", bác sĩ Dung chia sẻ.

Bà tâm sự, thật ra, bác sĩ cũng là những con người bình thường, nên khó tránh khỏi những sai sót. Tất nhiên, trong nghề đặc biệt này thì họ phải cố gắng đến mức tối đa để tránh điều đó, song đôi khi vẫn không thể lường trước được mọi tình huống.

Bà kể lại chuyện cách đây đã mấy năm, khi ấy, một bệnh nhân sau khi hút thai đến khám lại thì được phát hiện có tụ máu trong tử cung. Bác sĩ phải tiến hành hút lại nhưng không ngờ cô gái bị chảy máu xối xả. Rất may, do từng được đào tạo về hồi sức nên bác sĩ sản phụ khoa đã tiến hành cấp cứu ngay rồi đưa cô gái vào bệnh viện.

Ảnh: MT.
Các bác sĩ khoa cấp cứu hay phải đối mặt với các tình huống bị người nhà bệnh nhân nạt nộ. Ảnh: MT.

Tuy nhiên, sau sự việc này, gia đình bệnh nhân quay lại đòi kiện bác sĩ, vì cho rằng do bà làm ẩu nên mới gây tai biến như vậy. Nhưng khi được bác sĩ tận tình giải thích và lật giở lại hồ sơ bệnh án ghi rõ tiến trình thực hiện thủ thuật, những lưu ý về ca này, bệnh nhân và người nhà mới chịu rút đơn.

"Việc tư vấn cho bệnh nhân biết rõ về tình trạng sức khỏe của mình, cách điều trị hay thủ thuật thực hiện, nói chính xác tiên lượng sau đó, không giảm nhẹ cũng không phóng đại là rất quan trọng. Khi bệnh nhân đã hiểu rõ mọi điều thì sẽ tránh được những phiền toái về sau", bác sĩ Dung chia sẻ.

Theo bà, thật ra, tất cả các vụ kiện tụng hay gây gổ chủ yếu là do thái độ của bác sĩ chứ không phải vì những thiếu sót chuyên môn. Giải thích cặn kẽ, ân cần, làm hết trách nhiệm, không bắt chẹt hay tỏ ra thờ ờ... thì bệnh nhân sẽ chẳng có cớ gì để gây gổ với bác sĩ, và nếu có điều gì đáng tiếc xảy ra, họ cũng thông cảm hơn với người thày thuốc.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Viện Bỏng trung ương cho biết, riêng trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, nếu không tư vấn rõ ràng với bệnh nhân trước khi thực hiện, các bác sĩ rất dễ gặp "phiền". Ông kể lại chuyện một bác sĩ trẻ đã phải dở khóc dở cười khi bị bệnh nhân đến bắt đền vì cái mũi cô nâng không được cao, gọn như mong muốn.

Bệnh nhân có chiếc mũi tẹt, lại gãy muốn được nâng cho cao, đẹp như các diễn viên điện ảnh. Sau một hồi kì kèo so đo giá cả với các trung tâm thẩm mỹ nhan nhản ngoài đường, bệnh nhân cũng chấp nhận nâng mũi tại Viện Bỏng. Tuy nhiên, đến khi hoàn thành, nhìn vào gương, chị giãy nảy nhất định đòi bác sĩ "bồi thường" vì chiếc mũi chỉ cao hơn một chút chứ không đẹp được như mũi của diễn viên Hàn Quốc.

Dù nghe các bác sĩ giải thích rằng, nếu làm mũi cho chị thật cao thì lớp da vùng mũi trên khối silicone độn sẽ nhanh chóng mỏng dần, không đủ sức che phủ, thậm chí làm da bị thủng, chị vẫn... ấm ức. Sau đó, khi bác sĩ mang hai tấm ảnh chụp trước và sau khi nâng để thấy rõ sự khác biệt, chị mới tạm nguôi ngoai.

Không chỉ gặp các sự cố như bị bệnh nhân "bắt đền", to tiếng hay đòi kiện cáo, nhiều bác sĩ còn bị người nhà bệnh nhân hành hung.

Ngay mới đây, tại Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng, đã xảy ra vụ người nhà bệnh nhân đuổi đánh y tá, khiến nạn nhân phải chạy đi ẩn nấp, còn cả khoa cấp cứu được phen hú vía.

Một bác sĩ chuyên khoa cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội cũng kể rằng, với họ, chuyện bị đuổi, đánh có thể ít gặp nhưng việc bị người nhà bệnh nhân nạt nộ, quát tháo, chửi bới thì không hiếm. Anh cho biết, thực tế, nhiều ca bị thương phần ngoài, chảy máu be bét, nhìn rất kinh khủng và khiến người nhà bệnh nhân vô cùng lo lắng nhưng lại không nguy hiểm. Trong khi đó, có những ca bị chảy máu ở nội tạng hay chấn thương sọ não, biểu hiện bên ngoài không có gì đáng kể nhưng lại hết sức khẩn cấp, cần được xử lý ngay. Nhiều người nhà bệnh nhân không hiểu như vậy, lại cho rằng bác sĩ không công bằng, nhận đút lót hay vì mối quan hệ quen biết mà làm cho người nhẹ trước, không chữa cho người nhà mình, nên gây gổ, làm lớn chuyện.

Bác sĩ Bùi Quốc Công, phó trưởng khoa gây mê hồi sức, Bệnh viện E Hà Nội cho biết, thật ra, dù với nghề nào, dù cẩn thận đến mấy cũng khó tránh khỏi những sai sót và gặp sự cố. Trong chuyên môn của ông, chỉ cần một thao tác sai, hay tiên lượng không đúng một chút, có thể gây tử vong bệnh nhân nên những người thầy thuốc luôn phải hết sức thận trọng. Và ông biết, không ít đồng nghiệp sau những tai nạn nghề nghiệp gây hại cho bệnh nhân cả năm không ngủ được, lúc nào cũng thấp thỏm không yên. Và đã có người phải xin nghỉ việc, hay chuyển công tác, không bao giờ dám thực hiện gây mê hay cầm dao mổ nữa.

Bác sĩ Công cho rằng, thực tế, đối với bác sĩ, ngoài chuyên môn cần có sự hiểu biết xã hội cao, biết nắm bắt tâm lý người bệnh và người nhà của họ, luôn thể hiện sự tôn trọng bệnh nhân, gần gũi họ. Khi đó, dù có xảy ra điều gì thì hai bên cũng dễ chia sẻ và thông cảm cho nhau, hạn chế được những va chạm đáng tiếc.

VNE

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét