Tâm sự của những người cầm bút về ngành y

Tí cười by ma_quy.

Dù là những phóng viên mới theo dõi ngành hay những người đã gắn bó với ngành y tế đã nhiều năm, nhưng trong họ, luôn là niềm đam mê nghề nghiệp, sự tìm tòi khám phá để góp tiếng nói xây dựng ngành y tế ngày càng tốt hơn. Nhân dịp 55 năm kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam, những phóng viên (PV) theo dõi y tế đã giãi bày những suy nghĩ, tâm sự về người thầy thuốc, về công việc của họ.

* PV Hoàng Trường Giang (Báo Quân đội nhân dân): Thấy rõ hơn giá trị cuộc sống và thêm trân trọng nghề thầy thuốc

Là phóng viên một tờ báo của lực lượng vũ trang nhưng tôi được giao bám mảng thông tin y tế hơn 2 năm nay. Mặc dù thời gian quá ngắn ngủi với nghề và kinh nghiệm thực tiễn nhưng cũng giúp tôi hiểu thêm về ngành y, về bệnh dịch, về cuộc sống người bệnh, nỗi niềm, sự nhọc nhằn đằng sau mỗi tấm áo blu trắng. Mỗi lần có dịch bệnh, tôi lại cùng các phóng viên khác theo chân các thầy thuốc, các chuyên gia y tế để tìm cách ngăn chặn, phản ánh kịp thời thông tin đến với độc giả. Đi làm tin bài về mảng y tế từ các bệnh viện lớn ở Thủ đô đến các trạm y tế ở xã, phường, các phòng khám đa khoa khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, tôi càng thấy thêm trân trọng nghề y bởi nỗ lực không ngừng của thầy thuốc khi cứu chữa, chăm sóc sức khoẻ cho mọi người. Cuộc giành giật sự sống và cái chết thật quyết liệt nhưng cũng rất mong manh, càng thể hiện thật rõ hơn giá trị của cuộc sống và bản chất cao quý của ngành y.

Đội ngũ phóng viên luôn sát cánh cùng lực lượng y tế .Ảnh: TM

* Đỗ Trung Hiếu (Báo Nhân dân): Thông tin chính xác là hết sức quan trọng

Xác định rõ, là phóng viên tờ báo của Đảng, tôi luôn ý thức về việc thông tin đưa lên mặt báo ngoài yếu tố nhanh thì tính chính xác là hết sức quan trọng, chính vì thế, trong thời gian theo dõi ngành y tế, tôi luôn bám sát các hoạt động của ngành để nắm được thông tin một cách tổng hợp và đầy đủ nhất. Ngành y tế là ngành luôn đối mặt với rất nhiều vấn đề như dịch bệnh, thiên tai, phơi nhiễm... Chính vì thế, càng thâm nhập vào ngành để tìm hiểu thông tin, tôi càng hiểu rõ hơn và thông cảm với sự vất vả của những người thầy thuốc, đã có những người thầy thuốc phải hy sinh tuổi trẻ, thậm chí cả sự an toàn của tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ cao quý của Đảng, Nhà nước giao cho. Qua đó, tôi càng hiểu và cảm thông hơn với nghề y, với những người thầy thuốc.

* PV Thanh Tâm (Báo Lao Động): Nghề thầy thuốc luôn luôn là nghề cao quý

Có lẽ cứ đến ngày 27/2 mới nói đến công lao của người thầy thuốc thì chưa thật đầy đủ. Trong một năm suốt 365 ngày, những người thầy thuốc đã làm việc không mệt mỏi, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và không được phép xảy ra sai sót khi chữa bệnh cho bệnh nhân. Thật khó hình dung, một thầy thuốc trong một buổi sáng phải khám bệnh cho gần 200 bệnh nhân. Rồi phải đối mặt với những ca bệnh khó phải mất ăn, mất ngủ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất, hiệu quả nhất... Một công việc khổng lồ! Những công sức của người thầy thuốc dành cho bệnh nhân không thể đo đếm. Đã có rất, rất nhiều người bệnh đã được trở lại với cuộc sống, đã thoát khỏi bệnh tật để có cuộc sống khỏe mạnh... Những thành tích mà các thầy thuốc làm nên đã được người đời ghi nhận và biết ơn.

* PV Lan Anh (Báo Tuổi trẻ): Mong sao có thêm nhiều nụ cười, nụ cười ngay ở bệnh viện

Theo dõi bệnh viện gần 10 năm nay, ấn tượng nhất về nghề thầy thuốc là một nghề quá khó, ai làm thầy thuốc chắc cũng phải dũng cảm lắm mới theo được nghề này. Đi trực đêm bệnh viện phải thức trắng đã đành, mà thực tập mổ xác, rồi mổ xẻ cứu người thì phải khéo léo lắm, giỏi nghề lắm mới làm được. Vì ấn tượng này, mỗi khi có dịp gặp gỡ các thầy thuốc là tôi thường hay để ý bàn tay của họ. Những bàn tay lúc nào cũng rất sạch và ấm, bàn tay cứu người. Nhưng có một điều là bệnh viện bây giờ chật chội quá, quá tải, khiến người bệnh khổ, người nhà cũng khổ và thầy thuốc cũng khổ. Cũng có lẽ vì đông bệnh nhân quá, phục vụ không xuể mà bệnh nhân nào cũng muốn mình được phục vụ tận tình, nên thầy thuốc mệt quá, mặt mũi kém tươi chăng? Chỉ mong sao mỗi khi ốm đau phải đi gặp bác sĩ, điều người bệnh cũng như ấn tượng của tôi - nhà báo - là bàn tay rất sạch, rất ấm, tận tình hỏi bệnh và chữa trị, xoa dịu nỗi đau. Mong sao có thêm nhiều nụ cười, nụ cười ngay ở bệnh viện.

* PV Liên Châu (Báo Thanh Niên): Cán bộ y tế đang rất... nặng gánh

Còn nhớ, khoảng 4 năm trước, Bộ Y tế phát động phong trào viết về gương người tốt trong ngành y. Thực ra chưa có buổi phát động đó thì các PV y tế vẫn luôn tìm kiếm những hình ảnh đẹp trong ngành y để viết. Và thực tế là đã viết rất nhiều. Nhưng chúng tôi cũng có phần băn khoăn vì thực tế, khi chúng tôi có bài viết về "tiêu cực" thì lại nhận được phản hồi nhiều hơn từ người trong ngành. Còn bài viết tốt thì lại nhận được ít ý kiến đồng tình. Nhưng dù sao, chúng tôi vẫn luôn hiểu rằng, không chờ được khen ngợi, được biểu dương, mỗi cán bộ y tế dù là làm công tác điều trị hay dự phòng vẫn hằng ngày hằng giờ nỗ lực để hoàn thành công việc.

Chúng tôi cảm nhận rằng, hơn lúc nào hết, cán bộ ngành y đang chịu áp lực từ cộng đồng, đặc biệt là mong muốn được thấy nhiều những hình ảnh thân thiện khi đến cơ sở y tế. Không dám "đòi" nụ cười luôn thường trực, vì điều đó gần như là quá xa vời khi các cơ sở điều trị đang luôn trong tình trạng quá tải như hiện nay. Nhưng chúng tôi cũng thấy rằng, chính các cán bộ y tế cũng cần được chia sẻ từ cộng đồng bởi phần lớn họ cũng đang cùng chung gánh nặng quá tải.

Skđs

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét