Quá chén dễ đi cấp cứu

Cuối năm là thời điểm của những cuộc vui. Tuy nhiên, trong những ngày này số ca cấp cứu thường tăng 20-30% so với ngày thường. Đa số trường hợp nhập viện do hậu quả của những bữa tiệc rượu quá chén.

Giảm bớt bia rượu tại các buổi tiệc tất niên để tránh say xỉn - Ảnh: N.C.T.

Trong tiệc ăn mừng thiếu rượu bia thì không khí sẽ kém vui. Tuy nhiên, uống rượu bia từ thú ẩm thực đến tai họa là một khoảng cách mong manh.

Uống rượu, tránh thuốc

Rượu bia có thể tương kỵ với các thuốc: kháng sinh, kháng đông, chống trầm cảm, đái tháo đường, kháng histamine, chống co giật, ức chế bêta, thuốc giảm đau, thuốc ngủ.

Nếu uống rượu bia mà dùng Aspirine sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa. Nếu uống kèm Paracetamol sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương gan.

Nếu đã lỡ quá chén, nên uống một ly trà sữa đậm đặc để “hóa giải”. Nên nhớ không có bất kỳ loại thuốc nào gọi là “giải độc rượu” uống vào để có thể uống được nhiều bia rượu. Đó chẳng qua là các loại thuốc hỗ trợ chức năng gan mà thôi.

Vui quá hóa bệnh!

Uống bia rượu quá mức sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Có thể là ung thư tụy, miệng, hầu, họng, thực quản, gan và ung thư vú. Viêm tụy, đặc biệt là khi người bệnh có sẵn tình trạng tăng triglyceride trong máu. Tăng nguy cơ đột tử ở người bệnh tim mạch, tổn thương cơ tim (bệnh cơ tim do rượu) dẫn đến suy tim, đột quỵ, xơ gan, tai nạn giao thông...

Cô N.T.P., 24 tuổi, mới vào làm việc ở công ty X được hai tháng. Tuần vừa rồi công ty tổ chức tiệc tổng kết cuối năm. Dù không biết uống rượu, nhưng bị các “lính cũ” nài ép và cũng để chứng tỏ mình không phải là “lính mới”, cô đã hưởng ứng bằng cách pha nước ngọt vào rượu mạnh cho dễ uống.

Sau khi uống được vài ly, cô P. bắt đầu nôn mửa, sùi bọt mép, hôn mê và co giật. Cả công ty tá hỏa chở P. nhập viện. Các bác sĩ cho biết nếu chậm trễ thì não của P. khó hồi phục do tình trạng ngộ độc rượu và hạ đường huyết quá nặng.

Tối Noel vừa rồi, ông H.V.T., 37 tuổi, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM), nhập viện vì nôn liên tục kèm đau ngực và khó thở. Theo lời kể của người vợ, ông T. hiếm khi uống rượu. Nhưng đêm Giáng sinh trong xóm tổ chức tiệc vui nên ông T. tham dự, uống một ít bia.

Dù xét nghiệm nồng độ cồn trong máu ông T. rất thấp, nhưng biểu hiện bệnh rất rầm rộ vì ông mắc bệnh đái tháo đường từ hai năm trước và đang dùng thuốc insulin chích. Có thể do vui quá nên ông T. quên tiêm thuốc, kèm ăn nhiều và uống bia là những yếu tố thúc đẩy đường huyết tăng cao không kiểm soát và nhiễm xêtôn axit. Đây là một biến chứng cấp tính rất nặng ở bệnh nhân đái tháo đường.

Và còn những cái chết trước khi nhập viện. Tình trạng này hay gặp ở những người có sẵn bệnh tim mạch, như bệnh động mạch vành, tăng huyết áp. Nếu uống rượu bia quá mức, kèm ăn quá nhiều chất béo và muối trong bữa tiệc sẽ dễ đưa đến tăng huyết áp quá mức, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, viêm tụy cấp.

Tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch trong những ngày lễ tết tăng 33% so với ngày thường. Ví dụ như trường hợp ông N.V.H., 58 tuổi, bị cao huyết áp. Ông được người bạn mời đến nhà dự tiệc, bị mọi người ép uống nhiều rượu, ông H. say quá nên ngủ lại nhà người bạn và không đem theo thuốc hạ huyết áp để uống. Đến khuya ông bị nhức đầu dữ dội, được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp, ông đã chết trước khi đến bệnh viện vì xuất huyết não do tăng huyết áp.

Uống ít lợi nhiều

Uống rượu bia mức độ vừa phải sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ tiến triển bệnh tim, bệnh mạch máu ngoại biên và chứng đau cách hồi; giảm nguy cơ đột tử do nhồi máu cơ tim và đột quỵ; giảm nguy cơ sỏi túi mật và bệnh đái tháo đường.

Với bia có nồng độ 5% chỉ nên uống 300-350ml/ngày. Rượu sâm banh nồng độ 11% có thể uống khoảng 150-200ml. Rượu màu có mùi nồng độ 17-20%, uống khoảng 50ml. Rượu trắng nặng có nồng độ 35-40%, chỉ nên uống khoảng 25ml.

Người càng lớn tuổi thì khả năng chuyển hóa rượu càng chậm nên dễ bị ngộ độc và tổn thương do rượu. Phụ nữ hoặc nam giới trên 65 tuổi chỉ nên uống hơn phân nửa lượng bia rượu kể trên.

Những người bị bệnh sau đây tuyệt đối không được uống rượu bia dù chỉ một lượng nhỏ: tiền sử xuất huyết não, bệnh gan, tụy, đã được chẩn đoán tiền ung thư ở thực quản, hầu họng và miệng.

Vài ghi nhớ trước khi uống

Để thoát khỏi cảm giác mệt mỏi sau cuộc chè chén, các bạn nhớ những điều sau đây.

- Ăn trước khi uống. Thực nghiệm đã chứng minh nếu để bụng rỗng mà uống rượu thì chỉ cần 30 phút sẽ thấy ngay ảnh hưởng của rượu đến cơ thể. Vì vậy ăn chút gì đó trước khi uống sẽ có tác dụng phân giải một phần lượng cồn trong rượu, bảo vệ gan, dạ dày... tránh bị ngộ độc khi uống rượu. Cơ thể mất hơn một giờ để chuyển hóa xong một cốc rượu whisky.

- Không nên uống rượu và nước ngọt cùng lúc, thức uống này sẽ lan khắp cơ thể và sản sinh một lượng lớn khí CO2 làm tổn hại đến gan, thận, quá trình tiêu hóa và làm huyết áp mất ổn định.

- Không hút thuốc lá trong khi đang uống rượu bởi nó làm cơ thể mất oxy, làm tăng khả năng bị bệnh ung thư lên 30 lần với ung thư thực quản và 10 lần đối với ung thư vòm họng.

- Đừng uống những loại đồ uống tối màu, vodka hay rượu trắng sẽ tốt hơn bởi chứa ít chất gây nghiện hơn, trong khi rượu whisky ngô (bourbon), rượu whisky Scotland (scotch) hay rượu đỏ có nhiều chất gây nghiện, gây cảm giác mệt mỏi hơn sau khi uống nhiều.

BS NGUYỄN THANH HẢI (BV Cấp cứu Trưng Vương) - TTO


Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét