'Du lịch vĩnh biệt' ở Thụy sĩ

Một bệnh nhâ người Anh lắng nghe tư vấn của nhân viên trung tâm trợ giúp trước khi tự sát. Ảnh: Pointgreypictures.com.
Một bệnh nhân người Anh lắng nghe tư vấn của nhân viên trung tâm trợ giúp trước khi tự sát. Ảnh: Pointgreypictures.com.

Điều luật về "cái chết êm ái" tại Thụy Sĩ đã biến nước này thành nơi bất cứ ai tuyệt vọng vì bệnh tật đều có thể tìm đến để chấm dứt cuộc sống. Tuy nhiên, ngành dịch vụ "nhân đạo" gây tranh cãi này có thể sắp bị khai tử.

Không có gì ngạc nhiên khi bắt gặp ở các sân bay lớn của Thụy Sĩ rất nhiều hành khách với visa du lịch trong tay nhưng bộ dạng lại ốm yếu, già nua và tâm trạng đầy tuyệt vọng. Những người này tìm đến Thụy Sĩ không phải để thưởng ngoạn thông thường, họ là khách hàng của một tour đặc biệt được gọi là "du lịch một đi không trở lại" hay "du lịch vĩnh biệt".

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, những trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch đặc biệt này mọc lên khá nhiều ở Thụy Sĩ với phạm vi hoạt động xuyên quốc gia và khu vực. Chúng đã giúp cho hàng ngàn người trên thế giới thực hiện được ước mơ cuối cùng trong đời: có một cái chết êm ái, thoát khỏi sự hành hạ của bệnh tật.

Khách hàng chọn tour du lịch này thường là những người mắc bệnh nan y vô phương cứu chữa. Họ đến Thụy Sĩ một mình hoặc cùng vài người thân hay bạn bè. Với khoản lệ phí 10.000 france Thụy Sĩ (tương đương 9.200 USD) và 3 điều kiện: tài liệu chứng minh mắc bệnh nan y, xác nhận đồng ý của thân nhân, xác nhận quyết định tìm đến cái chết là tự nguyện, họ sẽ được thu xếp để có "cuộc hành trình cuối cùng" một cách suôn sẻ theo đúng ý muốn.

Ngay sau khi đặt chân đến Thụy Sĩ trong vai khách du lịch, những người muốn chết sẽ được đưa đến một trung tâm hỗ trợ mà họ đã đăng ký trước. Tại đây, họ sẽ được cho uống một loại thuốc chống nôn, sau đó y tá sẽ mang đến một liều thuốc độc và hỏi lại khách hàng đã sẵn sàng chưa.

Việc uống thuốc hoặc mở van đường truyền cho thuốc vào cơ thể nhất thiết phải do khách hàng tự thực hiện và sẽ được camera ghi lại để đảm bảo rằng các trung tâm chỉ đóng vai trò trợ giúp mà không can thiệp hay thúc ép họ. Chỉ sau 5 phút, họ sẽ rơi vào tình trạng hôn mê và tiếp đó tim ngừng đập. Cái chết đến nhẹ nhàng và không đau đớn. Ngoài thân nhân của người tự nguyện chết còn có đại diện cảnh sát được mời đến làm chứng. Thi hài họ sẽ được giao cho người thân hoặc sẽ được hỏa táng và gửi tro về gia đình.

Thụy Sĩ là một trong số ít những quốc gia trên thế giới cho phép giúp đỡ người khác chết hợp pháp (ngoài ra chỉ có bang Oregon (Mỹ), Hà Lan và Bỉ). Mỗi năm ở Thụy Sĩ có khoảng 400 người chủ động tìm đến cái chết với sự hỗ trợ của hàng chục bệnh viện, trung tâm.

Đại diện Dignitas - một trung tâm trợ giúp quyền được chết lớn ở Thụy Sĩ - cho biết, kể từ khi thành lập (1998) đến nay, họ đã giúp cho khoảng gần 1.000 người được chết theo ý muốn. Điều đáng nói là hơn 90% khách hàng đến đây từ nhiều nước khác nhau, đứng đầu là người Đức, sau đó là Anh, Pháp, Mỹ, thậm chí có cả công dân những nước xa xôi như Libang hay Israel...

Các quy định về quyền được chết ở Thụy Sĩ "thoáng" hơn hẳn những địa chỉ còn lại và không bắt buộc bệnh nhân phải là công dân nước sở tại. Chính điều này đã biến Thụy Sĩ thành địa chỉ được lựa chọn nhiều nhất của những người nước ngoài muốn chủ động chấm dứt cuộc sống, điều bị cấm tuyệt đối ở nước họ.

Không thể để du lịch vĩnh biệt trở thành "đặc sản"

Sự tồn tại của điều luật "chết êm ái" ở Thụy Sĩ trong hơn 60 năm qua đương nhiên đã gây ra nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ "cái chết nhân đạo" này thì bày tỏ sự biết ơn vì đã giúp họ và thân nhân thoát khỏi sự tuyệt vọng. Nhưng nhiều người cho rằng Thụy Sĩ đã góp phần làm trầm trọng thêm nạn tự sát vốn đã ở mức báo động trong xã hội phương Tây.

Ngay cả người dân Thụy Sĩ cũng không cảm thấy tự hào khi đất nước mình được chọn làm "cánh cửa cuối cùng đến thiên đường" của nhiều người. Họ không muốn một ngày nào đó "du lịch vĩnh biệt" sẽ trở thành một "đặc sản" của Thụy Sĩ, giống như đồng hồ, nhà băng hay khách sạn.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ tư pháp Thụy Sĩ - bà Eveline Widmer Schlumpf đã nhiều lần kêu gọi dân chúng chống lại dịch vụ "du lịch vĩnh biệt" và yêu cầu chính phủ phải có đạo luật nhằm chấm dứt sự tồn tại của dịch vụ này. Tuy nhiên, yêu cầu của bà bộ trưởng đã không được đáp trả. Mãi đến tháng 7 vừa qua, vấn đề này bỗng trở nên nóng bỏng khi nhạc trưởng nổi tiếng nhất nước Anh là Edward Downes cùng vợ tình nguyện đến Thụy Sĩ để kết thúc cuộc đời.

Cái chết của vợ chồng ông Downes như giọt nước làm tràn ly khiến mâu thuẫn Anh và Thụy Sĩ trong vấn đề này trở nên gay gắt. Theo luật pháp Anh, hình phạt tối đa cho ai đó giúp đỡ một người mắc bệnh nan y tự sát là 14 năm tù. Tuy nhiên tòa án nước Anh lại không thể buộc tội các trung tâm hỗ trợ của Thụy Sĩ đã gúp đỡ hàng trăm công dân Anh thực hiện hành vi tự sát trong suốt nhiều năm qua.

Trước làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của công dân trong nước và những rắc rối liên quan đến các công dân nước ngoài, chính phủ Thụy Sĩ hôm 28/10 đã quyết định đưa ra một dự luật gồm 2 đề xuất: cấm hoàn toàn hình thức hỗ trợ tự tử, hoặc là phải thắt chặt các quy định liên quan đến hình thức này.

"Với tư cách là một quốc gia, chúng tôi không hứng thú với việc trở thành điểm đến hấp dẫn của những người muốn chết. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ không còn có chuyện ai đó đi du lịch qua đây để rồi chết sau đó vài ngày", bà Widmer Schulumpf nói.

Còn ông Ludwig Minelli, người sáng lập trung tâm Dignitas, gọi các dự luật trên là "lạc hậu và quan liêu". Ông cho rằng việc hạn chế hoạt động trợ giúp tự sát sẽ không làm giảm số lượng người tự tử mà chỉ khiến họ tìm đến cái chết bằng những cách thức đau đớn hơn, như tự sát trên đường ray tàu hỏa.

Hiện các dự thảo luật đang được đưa ra để thăm dò ý kiến người dân. Hoạt động thăm dò sẽ kéo dài tới tháng 3 năm sau, trước khi dự luật được trình lên quốc hội Thụy Sĩ để xem xét và ra quyết định. Những người am hiểu tình hình cho rằng quốc hội có lẽ sẽ nghiêng về phía thắt chặt kiểm soát hơn là cấm hoàn toàn hỗ trợ tự sát.

(Theo Sức khỏe & Đời sống, China.com, BBC)

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét