Gặp bác sĩ đạt giải nhất châu Á về chữa động kinh

TS. BS Phạm Tỵ - Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Định, bác sĩ duy nhất đạt giải nhất châu Á về chữa động kinh được tổ chức tại TP. Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2007, người đã mở ra một triển vọng mới cho những bệnh nhân tưởng chừng bị bế tắc.

Qua điện thoại, một bạn đọc tên Hương, ở Đồng Nai tâm sự: “Em của tôi bị động kinh 21 năm nay, đã đi rất nhiều nơi nhưng y học vẫn bế tắc, nay đọc báo biết có BS giỏi nên tôi rất yên tâm”. Bạn đọc khác, cựu cán bộ Thành đoàn, ngụ quận Bình Thạnh đã cắt bài đăng trên báo tìm gặp chúng tôi xin số điện thoại của ê kíp mổ để đưa người con gái 29 tuổi ra phố biển điều trị...


TS. BS Phạm Tỵ (trái) cùng BS. Tôn Thất Quỳnh Út thăm hỏi bệnh nhân sau mổ

Tại khoa ngoại thần kinh và cột sống (BVĐK tỉnh Bình Định), theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng bệnh nhân bị động kinh, tâm thần, vẹo cột sống... tăng lên đột biến. Thạc sĩ, BS Nguyễn Văn Trung cho biết, đa số họ từ các tỉnh, thành xa đến và không quên mang theo bài báo đăng trên Báo CATP để tìm gặp các BS nhờ mổ cho họ.

Bệnh nhân tên Tuấn, 28 tuổi, trú P. Linh Chiểu, Q. Thủ Đức (TPHCM) bị tâm thần, sau khi đọc báo đã tìm đường ra Quy Nhơn. Sau 4 giờ giải phẫu, ê kíp mổ gồm: TS. BS Phạm Tỵ, Thạc sĩ - BS Đào Văn Nhân, Nguyễn Văn Trung... đã mổ thành công, giúp Tuấn trở về con người bình thường. Theo BS. Tôn Thất Quỳnh Út, BVĐK tỉnh Bình Định là bệnh viện đầu tiên trong cả nước mổ thành công các người bệnh bị tâm thần, động kinh...

Hiện TS. BS Phạm Tỵ đang tham dự Hội nghị động kinh lần thứ 3 của châu Á được tổ chức tại Nhật Bản với đề tài “Giải phẫu hẹp vỏ não”. Tháng 8, anh sẽ tham dự Hội nghị động kinh thế giới được tổ chức tại Mỹ. Theo lịch trình, đầu tuần sau anh sẽ trở về Quy Nhơn để trực tiếp mổ cho các ca khó.

Ngày 25.10, tại TP.HCM, TS.BS Phạm Tỵ, giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, đã tổ chức họp báo và gặp gỡ 10 bệnh nhân ở phía Nam từng được ông chữa bệnh động kinh thành công. Trước đó, có nhiều thông tin cho biết việc chữa bệnh động kinh của ông Tỵ đã gây chết và liệt cho nhiều người.

Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải, cha của bệnh nhân Phan Thị Bạch Yến, 50 tuổi, bị bệnh động kinh từ lúc bốn tuổi, kể: “Bạch Yến sinh ra khoẻ mạnh, xinh xắn, khi tôi đang học ở Liên Xô thì Yến bị bệnh động kinh. Gia đình đã tìm mọi cách chữa trị, nhưng tất cả các bệnh viện từ trong đến ngoài nước đều lắc đầu. Đầu năm 2009, vô tình đọc báo thấy bác sĩ Tỵ mổ được bệnh động kinh nên đưa con ra chữa trị. Sau khi phẫu thuật, Bạch Yến đã khỏe hơn nhiều, tăng 5 – 7kg, hồi phục trí não 80 – 90%…” Tuy nhiên, theo ông Khải, gần đây có tin đồn rằng con ông sau khi mổ đã chết. “Đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng gọi điện vào hỏi”, ông Khải nói.

BS Phạm Tỵ cho biết từ năm 2002 – 2009, ông đã mổ động kinh cho 55 ca, trong đó tử vong ba ca, chảy máu trong não bốn ca, nhiễm trùng sáu ca, yếu chân trái ba ca và xuất huyết não hai ca. Số bệnh nhân còn lại đều phục hồi tốt. Theo ông Tỵ, đây là tỷ lệ rủi ro cho phép của thế giới. Ông Tỵ khẳng định đã báo cáo bộ Y tế kèm theo tên tuổi, địa chỉ của từng bệnh nhân.

Tin đồn sai sự thật về kết quả ca phẫu thuật động kinh của một bác sĩ “tỉnh lẻ” gây xôn xao giới y khoa trong nước, đến tận tai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Y tế. Bệnh nhân là người con gái của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải...

BS Tỵ đang đi dạo cùng chị Bạch Yến. (Ảnh:Bee.net.vn)

Niềm vui của ông Sáu

Cuối tuần qua, tại nhà riêng, ông Sáu Khải (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) biểu lộ sự vui mừng khôn tả về kết quả phẫu thuật dành cho con gái ông - chị Phan Thị Bạch Yến.

Ông kể hành trình tìm nơi chữa trị cho con hằng mấy mươi năm trời: “Cháu Yến lúc chào đời rất khỏe mạnh, xinh xắn, hàng xóm ai cũng khen. Nhưng rồi, trong lúc tôi đi học ở Liên Xô, ở nhà không hiểu vì lý do gì, có lẽ cháu chạy nhảy té chấn thương đầu hay sao mà sau đó cháu bị bệnh động kinh năm lên 4 tuổi. Cả nhà ai cũng lo lắng, đưa cháu đi chữa trị rất nhiều nơi, ai chỉ chỗ nào, bệnh viện (BV) nào chữa được, gia đình cũng đều đưa cháu đến đó. Thậm chí, ai mách ăn món gì, uống thức uống gì để chữa bệnh, ở nhà cũng cho cháu dùng. Làm đủ mọi cách, nhưng bệnh tình vẫn không khỏi. Hai năm sau ngày Yến sinh con, bệnh có giảm nhẹ một ít, nhưng rồi một năm sau đó, bệnh trở lại như cũ. Tôi và gia đình rất buồn, thương cho con. Thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc gì cũng tìm cho cháu uống, người cháu không biết bao nhiêu loại thuốc đã đưa vào. Lần về sau, tôi đưa cháu vào BV Chợ Rẫy để kiểm tra xem có hướng xử trí thế nào, nhưng tại đây các bác sĩ cũng bảo không chữa được, họ gửi hồ sơ bệnh án đi Pháp, Mỹ. Nhưng rồi, chờ cả năm cũng không thấy nước ngoài trả lời. Khi hỏi lại, thì họ bảo, trường hợp này bệnh lâu quá rồi không chữa được”.

Nhưng rồi tình cờ đọc báo thấy Giám đốc BV Đa khoa Bình Định là bác sĩ Phạm Tỵ phẫu thuật điều trị bệnh động kinh, ông Sáu nhờ bác sĩ Tỵ đến nhà xem bệnh. Thật ngạc nhiên khi bác sĩ Phạm Tỵ nói: “Kết quả mổ 100% thì không chắc, nhưng cỡ 85%, gia đình có dám mổ không?”. “Thú thật là vì lâu nay hết cách chữa rồi, nên tôi quyết định đưa Yến ra BV Bình Định để điều trị, với mong muốn bệnh tình của con được cải thiện, chứ để thế này mãi thấy thương con quá. Chỉ cho 5 người thân trong gia đình biết quyết định này, ngay cả các đồng chí bên Thành ủy, ủy ban tôi cũng không báo tin”, nguyên Thủ tướng nói.

Ca mổ cho chị Yến được tiến hành vào ngày 26.6 vừa qua. Ông Sáu khẳng định: “Mặc dù Yến đã lớn tuổi, bệnh đã quá lâu, nhưng phải nói rằng, cho đến bây giờ thì ca mổ cho Yến đã thành công. Cụ thể: sau mổ, bệnh của Yến đã hồi phục dần, ăn uống khá hơn trước, thể lực tốt hơn, lên 5 - 7 kg, người hồng hào khỏe mạnh, giảm rất nhiều cơn động kinh - hiện thỉnh thoảng cũng còn cơn nhưng rất nhẹ, rất khó nhận ra, trí nhớ tốt hơn trước rất nhiều. Về quê ở Củ Chi ai thấy cũng mừng. Cháu như thế này, tôi và gia đình rất vui, đây là mong muốn lớn của gia đình có con bị bệnh, mà nhất là bệnh động kinh, chạy nhiều nơi trong nước không chữa được”.

BS Tỵ chụp hình lưu niệm với gia đình nguyên Thủ tướng. (Ảnh:Bee.net.vn)

Và tin đồn ác ý

Vui về bệnh tình của con gái thuyên giảm, nhưng ông Sáu cũng bày tỏ chuyện phiền lòng về tin đồn ác ý xoay quanh ca mổ và sức khỏe của chị Yến. Theo tìm hiểu của chúng tôi, chuyện TS-BS Phạm Tỵ (44 tuổi), một bác sĩ “tỉnh lẻ” đã bạo dạn tiến hành phẫu thuật một ca bệnh mà giới y khoa vì nhiều lý do mà ngán ngại, khiến một số người không... thích. Có lẽ vì điều đó đã xuất hiện tin đồn ca phẫu thuật cho chị Yến không thành công, chị Yến sau mổ bị liệt, bị hôn mê, sắp chết, chồng chị Yến đang ôm vợ khóc than...; và cả việc lan truyền thông tin đi các nơi về một số trường hợp bệnh nhân do bác sĩ Tỵ mổ không thành công. Tin đồn sai sự thật về tình trạng sức khỏe chị Yến còn ra đến tận Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ Y tế.

Sau ca mổ tại BV Bình Định, khi Yến về lại TP.HCM, trong một lần Yến bị ho, có vào BV Thống Nhất (TP.HCM) để khám điều trị. Vậy mà, cũng có tin đồn Yến hôn mê, đồn đến cả tai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nói thật lòng, chuyện này tôi nghe rất buồn...(Ông Sáu Khải)

Ông Sáu Khải không vui: “Tại sao lại có những người có động cơ quá xấu như vậy, bác sĩ Tỵ làm là để cứu người bệnh. Hơn nữa, việc mổ chữa bệnh động kinh ở VN lâu nay mình chưa làm được, giờ có nơi làm được thì lẽ ra nếu là người có lương tâm, đứng về góc độ của người làm bác sĩ, làm khoa học thì phải xem các trường hợp mà bác sĩ Tỵ đã mổ điều trị, cái nào tốt, cái nào chưa tốt, cần hợp lực lại để cùng nhau mổ tốt hơn cho người bệnh, vì trong nước còn rất nhiều bệnh nhân động kinh cần chữa trị. Tôi rất phiền những người gây ra khó khăn vừa rồi, họ không có tinh thần trách nhiệm, thật vô lương tâm, vô cảm với bệnh nhân. BV Bình Định mỗi ngày tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân đến khám, và cả ngàn ca điều trị nội trú, đồn sai như thế khiến người bệnh và cả bác sĩ hoang mang. Tôi nghe rất buồn, tôi có cảm giác như những người này không muốn BV Bình Định trở thành nơi phẫu thuật về thần kinh”.

Cần hỗ trợ một công trình minh bạch

Trong một báo cáo kết quả phẫu thuật động kinh tại BV Bình Định gửi Bộ Y tế mới đây, TS-BS Phạm Tỵ đã trình bày rất đầy đủ, chi tiết về quy trình điều trị bệnh động kinh bằng phẫu thuật, cả những ca mổ thành công và không thành công tại BV Bình Định; và cả kết quả điều trị của nhiều tác giả khác trên thế giới... Theo đó, trong số 55 ca phẫu thuật tại BV Bình Định, thì tỷ lệ thành công đạt 64,5% - 74,5% (tùy theo thể). Một số trường hợp bị biến chứng sau mổ gồm: yếu chân trái (3 ca); chảy máu trong não 4 ca; nhiễm trùng 6 ca; tử vong 3 ca.

Bác sĩ Tỵ cũng trình bày với chúng tôi về quá trình phát triển kỹ thuật mổ chữa động kinh tại BV Bình Định trong suốt một thời gian dài. Năm 1995, trong thời gian đi học ở Pháp 1 năm, anh đã theo học về mổ động kinh do một giáo sư người Pháp hướng dẫn. Năm 2000, anh sang Pháp học thêm 6 tháng nữa về mổ điều trị bệnh này. Trước đó, năm 1998, bác sĩ Tỵ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Ảnh hưởng tia laser trên nhu mô não”. Đến năm 2002, BV Bình Định bắt đầu mổ điều trị bệnh động kinh, nhưng do chưa đủ phương tiện, nên mỗi lần làm phải cho bệnh nhân đi TP.HCM, hay Hà Nội để chụp MRI kiểm tra. Giai đoạn đầu chỉ mổ những ca nhỏ, thương tổn khu trú, sau này mới mổ những ca động kinh phức tạp hơn. Đến năm 2007, BV Bình Định có máy MRI thì mới làm nhiều hơn. Và đến nay tổng cộng đã mổ 55 ca.

Bác sĩ Tỵ nói: “Tôi đã công khai danh sách, địa chỉ của tất cả bệnh nhân mà BV đã mổ, tỷ lệ thành công, thất bại... tất cả bằng chứng sống đều còn đó, nếu cơ quan chức năng muốn thẩm định, kiểm tra thì cũng hết sức dễ dàng!”.

. Theo TNO

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét