Mang họa vì thuốc Đông y

Một bệnh nhân dị ứng thuốc nam, đang điều trị tại Khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, sau một thời gian dù đã đỡ hơn nhiều nhưng mặt vẫn sưng, đỏ. Ảnh: MT.

Uống bát thuốc Bắc đầu tiên vào buổi trưa thì buổi chiều, bà Nghi (Kim Liên, Hà Nội) thấy cả người đỏ mẩn, hai lòng bàn tay bị nứt, đau nhức. Tối đó, thấy bà nước mắt nước mũi chảy ròng, mặt sưng húp, sốt cao, gia đình vội đưa đi cấp cứu.

Bà Nghi, 57 tuổi, bị mẩn ngứa 3 năm nay, uống nhiều loại thuốc, chữa nhiều nơi không khỏi. Được người quen giới thiệu một cơ sở khám chữa bệnh Đông y khá nổi tiếng, bà tìm đến cắt thuốc. Trưa 20/9, bà uống bát thuốc đầu tiên thì đến chiều đã thấy hai bên cánh tay nổi những nốt nhỏ li ti như rôm.

Bà gọi điện hỏi thày thuốc thì được trả lời, có lẽ tại sắc thuốc đặc quá. Đến tối, khi bà khó thở, cả người đã sưng vù thì mới vào viện và được bác sĩ cho biết dị ứng thuốc.

Nằm cùng phòng điều trị với bà Nghi ở Khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Trâm, 24 tuổi, ở Bắc Ninh, cũng bị dị ứng sau 5 tuần dùng thuốc nam.

Cách đây mấy tháng, Trâm đi khám và phát hiện bị u xơ tuyến vú. Được bác sĩ kê thuốc Tây, cô không uống vì sợ sẽ hại người, nhiều tác đụng phụ. Nghe một chị bạn bị cùng bệnh mách đã cắt thuốc nam ở một cơ sở đông y và khỏi bệnh, Trâm cũng đến đó bốc thuốc. Sau 5 tuần dùng, cô bỗng thấy nổi các nốt đỏ rất ngứa ở tay, chân rồi nhanh chóng lan khắp người.

Đến giờ, sau 10 ngày vào viện điều trị, các nốt mẩn đỏ chi chít trên cơ thể cô đã lặn, bớt ngứa nhưng vẫn để lại rất nhiều vết thâm.

Một phụ nữ 59 tuổi khác, ở Hải Dương, sau một tuần dùng thuốc nam để chữa đau lưng cũng bị ngứa, đỏ da toàn thân. Khi nhập viện, bà đã bị nhiễm độc gan, viêm loét hết mắt, miệng.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Khoa Dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch mai cho biết, các ca dị ứng do uống thuốc nam chiếm số đông bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Hầu hết những người này đều từng nghĩ uống thuốc bắc, nam là lành, mát, nếu không khỏi bệnh thì cũng chẳng hại gì, chẳng bổ chỗ nọ cũng tốt chỗ kia.

Phần lớn họ đều tìm đến thuốc nam hay thuốc bắc để chữa những bệnh đơn giản như ngứa, đau xương khớp... nhưng khi bị dị ứng, thường di chứng để lại rất nặng nề, nhẹ nhất cũng là ngứa, bong tróc da, nguy hiểm hơn có thể lở loét mắt, miệng, mù mắt, suy gan, thận, thậm chí là tử vong.

Theo bác sĩ Trường, thuốc Đông y là một loại thuốc nên cũng có độc tính, có tác dụng phụ, có chỉ định và chống chỉ định, có thể tốt với người này nhưng lại gây hại cho người khác. Nhiều người bị dị ứng bởi dùng loại có thành phần quá phức tạp, công nghệ bào chế không đảm bảo, cây làm thuốc có thể bị phun thuốc trừ sâu, người làm thuốc trộn thêm thuốc tây vào... Ngoài ra, một số người có sẵn cơ địa dị ứng với một thành phần nào đó của thuốc hoặc không chuyển hóa được...

Có người còn bị "vạ lây" vì dùng thuốc không bảo quản đúng, bị hỏng, nấm mốc. Như trường hợp của anh Hòa (Vĩnh Phúc) là một điển hình. Do thỉnh thoảng lại đau nhức xương khớp, anh rủ người hàng xóm tìm đến một thày lang trong vùng, vốn nổi tiếng có bài thuốc chữa đau xương hiệu quả. Tuy nhiên, uống một tuần, anh Hòa bị lở loét khắp người, trong miệng. Ông hàng xóm lấy thuốc giống anh cũng bị tương tự.

Sau đó, cả hai phải nhập viện và được xác định là bị dị ứng thuốc. Khi anh Hòa hỏi tới ông thày, người này vẫn bao biện: "Tôi đảm bảo thuốc đúng bệnh, toàn thành phần tốt, nhưng có lẽ bảo quản không đúng nên đã bị... mốc".

Bác sĩ Trường cho biết, đây là một trong những ca phải điều trị khá lâu ở khoa.

Theo bác sĩ, một trong những điều nguy hiểm khi bệnh nhân sử dụng thuốc Đông là không đi khám, không biết bệnh mà cứ uống theo lời mách, đôi khi còn bốc thuốc ở những cơ sở không được cấp phép. Người bốc thuốc nhiều khi không hướng dẫn cho người bệnh về những tác dụng phụ có thể có, thậm chí khi thấy bệnh nhân bị phản ứng, họ lại bồi thêm rằng như thế mới là thuốc tốt, chứng tỏ đã phát huy tác dụng.

Ông cho biết, dị ứng thuốc Đông thường diễn ra chậm, có người uống vài ngày, có khi vài tháng mới thấy biểu hiện nhưng lại tiếp tục dùng, khiến hậu quả ảnh hưởng lâu dài, nặng nề. Trong khi đó, hiện nay, tại các bệnh viện, hầu như không có xét nghiệm nào thể xác định bệnh nhân bị dị ứng thuốc nam. Muốn làm điều này, các bác sĩ thường chỉ căn cứ chủ yếu vào tiền sử bệnh và sử dụng thuốc của bệnh nhân.

Theo bác sĩ, khi uống thuốc Đông, nếu thấy các dấu hiệu sau, người bệnh phải dừng thuốc ngay và đến khám tại các cơ sở y tế: ngứa, nổi mẩn đỏ, nổi bọng nước trên da, bệnh nặng thêm, viêm đỏ mắt, miệng, họng, sốt cao...

Bác sĩ khuyến cáo, dù dùng thuốc Tây hay thuốc Đông đều phải theo chỉ định của thày thuốc, người dân tuyệt đối không được tự ý cắt hay dùng theo đơn của người khác.

VNE

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét