Để thức ăn đường phố yên lòng thực khách

Khái niệm thức ăn đường phố được hiểu là những thực phẩm đã chế biến hoặc có thể ăn ngay được bán trên đường phố và những nơi công cộng.

Thức ăn đường phố được nhiều học sinh, sinh viên chọn mua vì tiện lợi, giá rẻ - Ảnh: M.Đức

Từ khái niệm trên có thể hiểu thức ăn đường phố là những cửa hàng bán thực phẩm cố định hoặc hàng rong tại các thành phố, thị trấn, các lễ hội…

Việc phát triển loại hình dịch vụ thức ăn đường phố là nhu cầu tất yếu của cuộc sống vì các lợi ích mang lại từ loại hình dịch vụ này như: thuận lợi, rẻ tiền, giải quyết công ăn việc làm… đặc biệt đối với các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa. Đôi khi thức ăn đường phố còn là nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà thức ăn đường phố mang lại cũng đồng nghĩa với nhiều nguy cơ không bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng thực phẩm. Đã có nhiều bài báo, phóng sự, ảnh… phản ánh về tình trạng mất vệ sinh từ một số cửa hàng, gánh hàng không bảo đảm vệ sinh như: nguồn nguyên liệu để chế biến, môi trường chế biến, vệ sinh người bán hàng và đặc biệt là nguồn nước và điều kiện vệ sinh dụng cụ phục vụ kinh doanh thức ăn đường phố như nồi, niêu, bát, đũa…

Việc không có đủ nguồn nước sạch để vệ sinh dụng cụ phục vụ kinh doanh thức ăn đường phố dẫn đến tình trạng một chậu nước rửa hàng chục thậm chí hàng trăm bát, đũa, thìa…Từ đó, thức ăn thừa, vi khuẩn gây bệnh không được rửa sạch còn bám trên dụng cụ chính là nguồn lây bệnh cho các khách hàng tiếp theo, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa. Nước rửa bát, đũa, thìa, đĩa sau đó lại đổ luôn ra đường… cứ như vậy nơi bán hàng lại càng ô nhiễm.

Bánh mì bì, phá lấu bán bên lề đường, một món điểm tâm khá phổ biến

Trên thực tế đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng tình trạng vi phạm vẫn khó tránh khỏi do điều kiện kinh doanh chật hẹp, nguồn nước sạch không đủ, lực lượng thanh tra, kiểm tra không thể liên tục đi thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm.

Người viết bài này đã được tham quan, học hỏi kinh nghiệm quản lý thức ăn đường phố ở một số nước trong khu vực, so sánh với điều kiện thực tế của Việt Nam thấy cũng có nhiều điểm đáng để học tập và áp dụng.

Đặc biệt tại Trung Quốc, các loại hình kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố cũng phong phú, đa dạng như ở ta. Cách đây 15 năm, tình trạng không bảo đảm đủ nước sạch vệ sinh dụng cụ, nước sau khi rửa bát đũa cũng vung vãi ra đường…

Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng này cơ bản được giải quyết bằng cách thành lập các trung tâm xử lý dụng cụ, bát đũa phục vụ kinh doanh thức ăn đường phố - các cửa hàng kinh doanh thức ăn đường phố không được tự rửa dụng cụ bát đũa sau khi sử dụng mà các trung tâm xử lý hằng ngày có xe chuyên dụng, các buổi sáng sớm cung cấp đều đặn số lượng chủng loại bát đũa đã được vệ sinh sạch sẽ theo yêu cầu của các cửa hàng.

Còn trong ngày nếu có nhu cầu sử dụng thêm chỉ cần gọi điện đến trung tâm sẽ có người cung cấp ngay. Mỗi loại bát, đũa, thìa, đĩa… sau khi làm vệ sinh ở trung tâm đều được dán tem kiểm định.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể tự kiểm tra - nếu thấy cơ sở kinh doanh nào không sử dụng bát, đũa, thìa, đĩa… chuyên dụng sẽ phát hiện ngay.

Riêng đối với các trung tâm kinh doanh ăn uống lớn, các siêu thị… có thể có bộ phận xử lý dụng cụ để phục vụ riêng (bộ phận này do siêu thị thành lập và phải có xác nhận đủ điều kiện xử lý dụng cụ do ngành y tế xác nhận). Tất nhiên các cửa hàng đều phải trả một khoản phí phục vụ việc vệ sinh dụng cụ, bát đũa. Việc làm này có một số lợi ích như sau:

Đối với các cơ sở kinh doanh: không phải bố trí nhân công làm vệ sinh dụng cụ; không phải bỏ vốn đầu tư dụng cụ; không phải bố trí riêng một khu để làm vệ sinh dụng cụ và bảo đảm tốt hơn vệ sinh môi trường nơi kinh doanh (vì nơi kinh doanh đã rất chật hẹp).

Đối với cộng đồng: được bảo vệ sức khỏe tốt hơn, hạn chế được các bệnh lây lan qua thực phẩm, đặc biệt là bệnh dịch đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, nếu áp dụng vào hoàn cảnh thực tế ở nước ta, việc đầu tiên là phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông để cộng đồng thấy rõ lợi ích của mô hình này. Các nhà chuyên môn, chính quyền các cấp cần thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, trước mắt có thể áp dụng thí điểm tại các xã phường, nơi chúng ta đang triển khai mô hình điểm về thức ăn đường phố.

Và đặc biệt các doanh nghiệp có ý định đầu tư để cung cấp dịch vụ cũng cần cân nhắc về giá cả của dịch vụ, làm sao để chi phí giảm giữa dịch vụ mới này và việc tự vệ sinh dụng cụ của các cơ sở trước đây không quá chênh lệch.

NGUYỄN THANH PHONG
Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét