Vụ sau mổ mắt vẫn… tối thui: Bệnh nhân đòi bồi thường

Bà Trần Thị Phương Thu, giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, khẳng định bệnh viện sẽ khiếu nại đến nhà sản xuất để yêu cầu họ nhận trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho bệnh nhân.

Lọ thuốc chỉ thị màu Trypan Blue đã gây nhiễm trùng mắt cho bệnh nhân - Ảnh: THUẬN THẮNG - L.TH.H

Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM (Bộ Y tế) khẳng định chất chỉ thị màu Trypan Blue có vi khuẩn mủ xanh. Bà Trần Thị Phương Thu, giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, thông báo như vậy chiều 15-6.

Theo bà Phương Thu, kết quả kiểm nghiệm này một lần nữa khẳng định các bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn do nhiễm vi khuẩn mủ xanh sau mổ phaco tại Bệnh viện Mắt TP.HCM không phải bị nhiễm trùng do bệnh viện, mà do chất chỉ thị màu Trypan Blue (lô SV 9025 của Hãng Khosla, Ấn Độ sản xuất; Công ty TNHH thiết bị kỹ thuật y khoa Việt Mỹ ở TP.HCM nhập khẩu và phân phối) có vi khuẩn mủ xanh.

Một bệnh nhân bị múc mắt

Theo bà Phương Thu, trong số 22 bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn sau mổ phaco tại Bệnh viện Mắt TP, đến nay đã có 13 bệnh nhân được xuất viện. Trong chín bệnh nhân còn đang nằm điều trị thì năm người có dấu hiệu hồi phục thị lực khá tốt, bốn ca khác chưa nhìn thấy gì ở mắt được mổ, vẫn đang được theo dõi, điều trị tiếp.

Đặc biệt, bệnh nhân Huỳnh Công Pha sau thời gian điều trị tích cực, bên mắt nhiễm trùng đã nhìn thấy được khoảng cách 2m. Tuy nhiên, trong số bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn sau mổ phaco do nhiễm trùng từ chất chỉ thị màu Trypan Blue từ một số tỉnh chuyển lên, có một bệnh nhân được mổ ở Đồng Nai bị nhiễm trùng rất nặng đã phải múc bỏ một bên mắt.

Vi khuẩn mủ xanh thường sống ở trong đất, nước, trên da, niêm mạc người và động vật. Loại vi khuẩn này có ở nhiều nơi, ở nhiều dụng cụ máy móc trong bệnh viện như ống thông, máy hô hấp nhân tạo... Chúng xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc qua vết thương do phẫu thuật. Vi khuẩn mủ xanh được coi là tác nhân gây nhiễm trùng nguy hiểm vì độc tính của nó cực mạnh và kháng gần như tất cả các loại kháng sinh hiện có.

Bà Phương Thu khẳng định bệnh viện sẽ khiếu nại đến nhà sản xuất là Công ty Khosla để yêu cầu nhà sản xuất đứng ra nhận trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho bệnh nhân. Đến ngày 15-6, cả nhà sản xuất và phân phối vẫn chưa có động thái gì mới vì họ còn đợi kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM.

Dự kiến hôm nay 16-6, bệnh viện làm việc chính thức với nhà nhập khẩu và phân phối để thông báo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, đồng thời đặt vấn đề trách nhiệm của nhà cung cấp và nhà sản xuất đối với bệnh nhân.

Trong khi đó, thân nhân một số bệnh nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Mắt TP cho biết sáng 15-6 họ đã gửi đơn của bệnh nhân (đơn tập thể có chữ ký của bảy bệnh nhân) đến phòng tiếp dân của Sở Y tế TP và phòng kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Mắt TP. Các bệnh nhân gửi đơn gồm các ông, bà: Huỳnh Công Pha, Trần Thị Ba, Lê Thành Long, Dương Đình Việt, Huỳnh Thúc Sung, Trầm Kiếm, Trương Ngọc Sáng.

Nội dung đơn nói rằng có một số bệnh nhân bị bệnh viện cho xuất viện trong tình trạng không thấy ánh sáng. Vì vậy các bệnh nhân này đề nghị được ở lại bệnh viện điều trị cho đến khi mắt sáng mới đồng ý xuất viện. Nếu Sở Y tế và bệnh viện không đáp ứng yêu cầu này thì bệnh nhân sẽ kiện đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, nhân viên của phòng tiếp dân Sở Y tế không nhận đơn mà đề nghị các thân nhân về gửi đơn cho bệnh viện. Khi nào bệnh viện không giải quyết thỏa đáng thì sở mới nhận đơn, xem xét.

Bác sĩ Phương Thu khẳng định bệnh viện sẽ hoàn trả viện phí (những trường hợp xuất viện đã được hoàn trả), điều trị tích cực và hỗ trợ tối đa về thuốc cho bệnh nhân. Trước mắt, bệnh viện sẽ lo cho bệnh nhân rồi khiếu nại với nhà cung cấp và sản xuất sau.

Chưa được quản lý như thuốc

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dù chất chỉ thị màu Trypan Blue được sử dụng trực tiếp vào mắt bệnh nhân khi phẫu thuật nhưng lại không được Bộ Y tế quản lý như thuốc, đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt như thuốc mà bị xem như một loại vật tư tiêu hao thông thường. Chính vì vậy sản phẩm này được giao cho Vụ Trang thiết bị y tế (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu vào VN. Theo một chuyên gia ngành y, trách nhiệm của Bộ Y tế cũng cần được đặt ra.

Về nguyên tắc, chất chỉ thị màu này phải được vô trùng do được sử dụng trực tiếp trong mắt bệnh nhân vì điều kiện môi trường (nhiệt độ ở mắt là 37OC, trong mắt có nhiều chất bổ) của dịch mắt là yếu tố thuận lợi khiến vi khuẩn rất dễ phát triển. Vì vậy, Bộ Y tế cần nhanh chóng xếp loại sản phẩm này vào nhóm phải quản lý chất lượng như thuốc.

Cũng theo chuyên gia này, có hàng trăm nguyên nhân khiến một sản phẩm thuốc tiêm hoặc dung dịch nào đó bị nhiễm khuẩn. Thông thường, một sản phẩm bị nhiễm khuẩn có thể là do nguồn nước để sản xuất không sạch, khâu vô trùng cho sản phẩm (hấp tiệt trùng và lọc cản trùng) không tuân thủ nghiêm ngặt.

Ví dụ như chỉ hấp tiệt trùng chứ không lọc cản trùng vì công nghệ sản xuất kém (thường nhà sản xuất dược phẩm hiện đại mới có công nghệ lọc cản trùng). Hoặc thời gian hấp tiệt trùng không đảm bảo, nhiệt độ hấp không đồng nhất... khiến bào tử vi khuẩn không chết, gặp điều kiện thuận lợi là phát triển thành vi khuẩn rất nhanh.

LÊ THANH HÀ

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét