Đề nghị hạ mức cảnh báo dịch cúm A/H1N1

Ngày 7-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn (ảnh) cho biết: Chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc có hay không chuyện “thổi phồng” dịch cúm A/H1N1 và việc Hội đồng y tế châu Âu tiếp tục điều tra nghi án các hãng dược vận động hành lang một số chuyên gia cao cấp của WHO...

Nhưng đúng là mấy tháng nay có dư luận ở nhiều nước, đặc biệt là các nước châu Âu, về việc này. Đây là vấn đề lớn...

Theo Bộ Y tế, tính đến hết tháng 12-2009, ngân sách trung ương và các địa phương đã chi gần 1.000 tỉ đồng cho mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, thuốc phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại VN. Chủ yếu trong số này là chi mua máy thở, máy đo thân nhiệt từ xa đặt tại các cửa khẩu, ôtô cứu thương...

Đây là lần thứ hai ngân sách chi cấp bách cho chống dịch (trước đây là dịch SARS và cúm A/H5N1 năm 2003-2004). Rất nhiều thiết bị y tế mua năm 2004 đã bị hỏng khi xảy ra vụ dịch 2009. Tại Việt Nam, có trên 11.200 người được xác định mắc cúm A/H1N1 và 58 người tử vong.

* Thưa ông, hơn hai tháng nay không phát hiện bệnh nhân cúm A/H1N1 ở VN. Bộ Y tế có định chủ động đề xuất việc hạ mức cảnh báo dịch?

- Trong cuộc họp của Đại hội đồng y tế thế giới diễn ra tháng 5 ở Geneva (Thụy Sĩ), Bộ Y tế VN đã đặt câu hỏi với WHO về các vấn đề liên quan đến chống dịch cúm trong mùa đông - xuân sắp tới. WHO tiếp tục đề nghị các nước sẵn sàng chống dịch và chưa có ý kiến gì về việc hạ mức cảnh báo dịch.

Ở VN thì ít nhất là hơn hai tháng qua, 15 điểm giám sát cúm trên toàn quốc không phát hiện bệnh nhân cúm A/H1N1 mới mà chủ yếu là bệnh nhân cúm B. Theo ý kiến của tôi, tình hình hiện nay nên hạ mức cảnh báo dịch cúm A/H1N1 xuống mức 2 hoặc 3.

* Báo chí ngày 7-6 dẫn nguồn tin từ nước ngoài cho rằng các hãng dược đã thu được 7-10 tỉ USD từ vụ đại dịch bị thổi phồng này. Ông có thể cho biết chi phí phục vụ phòng chống dịch cúm A/H1N1 ở VN?

- Ở VN chủ yếu là mua trang thiết bị như máy thở, ôtô cứu thương thì bệnh nhân bị tai nạn giao thông cũng cần xe cứu thương, cần máy thở, mua hóa chất chloramine B thì chống dịch tả cũng cần. Văcxin phòng cúm thì chúng ta không mua. Còn việc nghiên cứu, sản xuất văcxin cúm A/H1N1 tại Trung tâm sản xuất văcxin Sabin, Viện Văcxin và sinh phẩm Nha Trang, Công ty Văcxin và sinh phẩm số 1 thì vẫn tiến hành theo kế hoạch đã được phê duyệt, dây chuyền sản xuất có thể sử dụng sản xuất cả văcxin cúm mùa.

TTO

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét