Cô gái tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư

Đau bụng kèm sốt, đến phòng mạch tư ở gần nhà để khám, chị Hương (xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, TP HCM) được truyền dịch. Tuy nhiên, về nhà được khoảng 30 phút, chị bỗng than mệt mỏi rồi sức khỏe yếu dần.

Theo điều tra ban đầu của Thanh tra Sở Y tế TP HCM, khoảng 6h ngày 7/5, chị Hương (23 tuổi) đến phòng mạch của một bác sĩ (hiện công tác tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương) vốn là người quen, ngụ gần nhà mình ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn để khám.

Tại đây, bác sĩ này đã truyền dịch cho chị Hương. Việc truyền bắt đầu từ 6h đến 8h thì hoàn tất. Về nhà khoảng nửa giờ, chị Hương trở sốt cao và mệt mỏi toàn thân. Gia đình quay lại tìm bác sĩ nhưng ông này đã đi làm nên bố mẹ Hương chuyển chị đến Bệnh viện huyện Hóc Môn. Tại đây, căn cứ vào lời khai “hiện tượng sốt cao xảy ra sau khi truyền dịch”, các bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ.

11h45’ cùng ngày, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương. Các bác sĩ chẩn đoán hai giả thuyết: Một là do sốc nhiễm trùng. Hai là do sốt xuất huyết. Tuy nhiên hai nguyên nhân này chỉ là nghi ngờ ban đầu chứ chưa chắc chắn.

Một ngày sau khi nhập viện, 12h ngày 8/5, bệnh nhân hôn mê sâu, mạch và huyết áp bằng không. Người nhà xin được đưa chị Hương về nhà và không cho mổ khám nghiệm tử thi.

Theo đại diện Thanh tra Sở Y tế TP HCM, cơ quan này đã niêm phong bệnh án và yêu cầu Bệnh viện Trưng Vương thành lập hội đồng khoa học để làm rõ nguyên nhân tử vong, sau đó báo cáo cho Sở. Vị bác sĩ đã truyền dịch cho bệnh nhân cũng phải có báo cáo giải trình trước ngày 15/5.

Đầu tháng 3, một nam học sinh 16 tuổi cùng ngụ tại Hóc Môn cũng đã co giật, tím tái sau truyền dịch tại một hiệu thuốc tư nhân. Bệnh nhân tử vong vài ngày sau đó.

Gần đây nhất, vào giữa tháng tư, hai học sinh nhà ở Bình Định cũng đã có phản ứng co giật rồi tử vong sau khi được truyền dịch.

Theo các bác sĩ chuyên khoa cấp cứu, những trường hợp bị mất nước, như mất nhiều máu, bị tiêu chảy, việc truyền các loại dịch có axít amin, vitamin, glucose sẽ nâng huyết áp cơ thể, cân bằng các chất điện giải. Truyền dịch còn có tác dụng giải độc đối với bệnh nhân bị ngộ độc, nhiễm khuẩn cấp tính.

Tuy nhiên việc truyền dịch có thể gây sốc phản vệ cho người được truyền. Hiện tượng này có thể xảy ra lập tức trong lúc truyền hoặc sau khi truyền. Biểu hiện thường gặp là bệnh nhân có cảm giác rét run, nhiệt độ cơ thể đột ngột tăng, mạch nhanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh, huyết áp tụt, khó thở, nhịp thở nhanh, buồn nôn. Xử trí chậm, người bị sốc có thể tử vong.

Nguyên nhân gây sốc có thể do chất lượng thuốc hoặc do dụng cụ tiêm truyền không đảm bảo vô trùng, tốc độ truyền quá nhanh, đôi khi do cơ địa bệnh nhân mẫn cảm hoặc dị ứng thuốc. Chính vì điều này, các bác sĩ khuyên người bệnh không nên cứ thấy không khỏe trong người là truyền dịch. Còn theo Thanh tra Sở Y tế TP HCM, tất cả các phòng khám tư nhân đều không được phép truyền dịch, dù người bệnh có yêu cầu. Những phòng khám vi phạm sẽ bị xử lý theo luật định.
VNE
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét