Khi cột sống cổ bất hợp tác

Khá nhiều người lớn tuổi thỉnh thoảng hay thường xuyên bị mỏi cổ, đau cổ - vai lan xuống một hoặc hai tay, đôi khi cử động đầu - cổ khó khăn và đã đi nhiều nơi khám bệnh, trường hợp này được các bác sĩ nghĩ là bị thoái hóa cột sống cổ.

Tập luyện nhẹ nhàng giúp hạn chế thoái hóa cột sống cổ - Ảnh: Gia Tiến

Thoái hóa cột sống cổ là gì?

Là tình trạng bệnh lý được gây ra bởi những tổn thương cấu trúc xương và phần mềm nâng đỡ, bảo vệ cột sống cổ - mà bình thường vốn giúp cột sống cổ đảm bảo chức năng nâng đỡ toàn bộ đầu, bảo vệ các thành phần thần kinh quan trọng của cơ thể.

Tổn thương cấu trúc xương chủ yếu là tình trạng loãng xương, làm giảm độ rắn chắc của xương và xương bị thoái hóa đặc trưng bởi sự giảm mật độ xương. Các tổn thương phần mềm còn lại bao gồm thoái hóa - thoát vị đĩa đệm, phì đại mặt khớp, dày và vôi hóa các dây chằng... dẫn đến hậu quả cuối cùng là làm thay đổi hình dạng cột sống và chèn ép vào các cấu trúc thần kinh.

Hút thuốc nhiều coi chừng dính bệnh

Để tránh bị thoái hóa cột sống cổ hoặc làm chậm sự tiến triển tiếp tục của bệnh, cần thường xuyên luyện tập thể thao vừa sức mỗi người, giúp cột sống được rắn chắc và dẻo dai.

Giữ tư thế đầu - cổ luôn thẳng khi làm việc, tránh những chấn thương cho cột sống cổ như đội vật nặng trên đầu, cúi - ngửa đầu quá mức, xoay đầu và cổ một cách đột ngột và quá mức, giảm cân nặng, không hút thuốc lá, dùng các chất kích thích có hại cho sức khỏe như rượu, bia...

Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng thoái hóa cột sống cổ như: chấn thương mãn tính lặp đi lặp lại kéo dài, loãng xương, hút thuốc lá nhiều năm.

Người ta nhận thấy những người hút thuốc lá có tỉ lệ thoái hóa cột sống cao hơn những người không hút thuốc lá. Ngoài ra bệnh này cũng có tỉ lệ cao ở người lớn tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, người dùng thuốc kháng viêm thuộc nhóm corticoid kéo dài.

Đau như “kiến bò” hay “điện giật”

Biểu hiện thường gặp là bệnh nhân có cảm giác mỏi vùng cổ - vai, đau vùng cổ - gáy (đôi khi nhức đầu), hạn chế cử động xoay đầu và cổ. Đau có thể lan sang một hoặc hai vai, lan đến một hoặc hai tay, làm tê và giảm cảm giác các ngón tay, tùy theo rễ thần kinh chi phối bị chèn ép, đôi khi có cảm giác “kiến bò” hoặc đau như “điện giật” lan từ vai xuống đến ngón tay theo đường dẫn như một sợi dây. Giai đoạn nặng hơn sẽ đau thường xuyên hơn và ngày càng tăng, làm hạn chế các hoạt động, ngay cả với những việc nhẹ nhàng hằng ngày; giảm hoặc mất cảm giác, teo cơ hoặc yếu liệt tay, chân - những tổn thương này sẽ khó hồi phục.

Dùng thuốc hoặc mổ

Để chẩn đoán cũng như đánh giá các loại tổn thương, bác sĩ cần khảo sát những hình ảnh như chụp X-quang cột sống cổ nhiều tư thế, chụp cắt lớp đa lát cắt (MSCTscan), cộng hưởng từ cột sống cổ (MRI), đo mật độ xương (độ loãng xương)...

Việc điều trị tùy theo tình trạng bệnh, thông thường ban đầu có thể tiến hành điều trị nội khoa dùng thuốc. Trong một số trường hợp có thể phải mổ ngay từ đầu để hạn chế cũng như tránh tổn thương thần kinh gây mất chức năng vĩnh viễn.

Điều trị nội khoa có thể dùng các nhóm thuốc kháng viêm nonsteroid, giảm đau, giãn cơ, vitamin, glucosamine, chondroitin, calcitonin... hoặc có thể sử dụng loại thuốc có phối hợp nhiều thành phần hoạt chất kể trên để tiện lợi hơn cho bệnh nhân, giúp giảm số lượng và số lần uống thuốc trong ngày. Phối hợp các phương pháp vật lý trị liệu. Thời gian điều trị có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng.

Nếu việc điều trị nội khoa đúng mức mà bệnh không giảm, cần xem xét khả năng can thiệp thủ thuật hay phải mổ. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà có lựa chọn phương pháp mổ thích hợp nhằm lấy đi các thương tổn gây chèn ép thần kinh, làm cột sống phần nào được vững chắc trở lại.

BS TRẦN MINH BẢO LỘC - TTO
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét