Giảm béo sau sinh

Tôi 39 tuổi có hai con. Bé gái 28 tháng, bé trai 6 tháng. Sau khi sinh hai bé tôi hay bị chóng mặt, choáng váng, mắt mờ, mỏi, hơi đau đầu. Mang thai bé đầu tôi nặng 50kg (cao 151cm), sau đó tăng 13kg, sinh xong giảm dần còn 58kg. Mang thai bé thứ hai tôi tăng 9,5kg và hiện giờ là 63kg. Tôi muốn giảm cân từ từ, không ảnh hưởng đến việc cho bé bú.

THANH VY

Tập thể dục đi bộ để giảm béo phì sau sinh - Ảnh: N.C.T.

Phụ nữ mang thai hormone thai nghén sẽ tăng cường dự trữ mỡ để chuẩn bị nguyên liệu cho hai “nhà máy sữa” đi vào sản xuất. Nhiều bạn mang thai thực hiện đúng lời khuyên về dinh dưỡng, chỉ tăng chừng 10-12kg thì sau khi lâm bồn lượng mỡ dự trữ này còn tồn đọng dưới da bụng, vùng mông 3-5kg. Nếu ăn vừa đủ thì lượng mỡ này sau một năm mới mất dần, trả lại vóc dáng thon thả ban đầu.

Sau sinh, có bà mẹ ăn mỗi ngày 6-8 bữa cơm, chưa kể uống sữa với lời khuyên “uống sữa mới ra sữa”, chả khác gì “con ong ăn đường thì ra nhiều mật”, và năng lượng thừa được gan tổng hợp mỡ chở đến các “nhà kho” dự trữ. Nơi lỏng lẻo nhất là bụng, vì thế nhiều chị sau sinh bốn tháng lại có “cái bầu” mới chứa toàn mỡ.

Để tránh béo phì sau khi sinh, bạn ăn ba bữa chính đủ bốn nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng) và theo dõi cân nặng, chỉ cần tăng 0,5kg là bạn đã phải giảm ăn đi một chút rồi. Có bạn ngoài ba bữa lại “giặm vá” thêm 1 lít sữa và quan niệm chỉ có cơm gây béo phì còn sữa thì không!

Song song với cách ăn là chuyển động cơ thể bằng cách đi lại, chăm sóc bé, nấu nướng. Bạn có thể đi bộ trong nhà chừng 20 phút, ngày hai lần. Sự chuyển động sẽ giúp tử cung co hồi tốt, sản dịch mau hết. Đừng nằm bất động một chỗ, chờ người nhà bưng cơm tận giường.

Trở lại vấn đề của bạn. Trong hai năm bạn sinh liền hai cháu, không có người phụ giúp, lại ở độ tuổi lớn hơn 35 thì không thể gọi là khỏe được. Rồi thức khuya, dậy sớm, ngủ không đủ, căng thẳng đã khiến các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, choáng váng, mờ mắt xuất hiện. Vì bận rộn với hai đứa bé nên bạn ăn uống không giờ giấc, bữa đói bữa no, ăn vội không kiểm soát được lượng thực phẩm nạp vào.

Stress như vậy làm rối loạn chuyển hóa mỡ và bạn dư 13kg so với trước đây là có cơ sở. Rối loạn chuyển hóa mỡ sẽ tạo cơ hội sinh ra những mảng vữa trong lòng mạch mà mạch não là nơi chúng có thể đóng lại. Thế là khi tim bơm máu, lượng oxy lên não không đủ dẫn tới choáng váng, đau đầu, chóng mặt.

Theo tôi, bạn nên nhờ người nhà phụ giúp trông cháu lớn, có chế độ ăn, ngủ khoa học và tranh thủ vừa chăm con vừa đi bộ trong nhà. Trong giai đoạn cho con bú chỉ cần mỗi tháng giảm 1kg là được.

TS.BS LÊ THÚY TƯƠI - TTO

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét