Vụ cô giáo kề dao cướp vàng của người tình được điều tra lại

Theo tin tức nhận được ngày 24/9, TAND TP Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Lê Thị Ngọc Mai (SN 1980, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) về tội cướp tài sản. Tại phiên xử, bị cáo Mai liên tục kêu oan, cho rằng bị mớm cung và cấp sơ thẩm xét xử không đúng.
Bị cáo Lê Thị Ngọc Mai tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24/9.
Theo án sơ thẩm, Lê Thị Ngọc Mai và ông Trần Ngọc Ngữ (SN 1961, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có quan hệ tình cảm với nhau mặc dù ông Ngữ đã có vợ.
Khoảng 19h ngày 8/10/2013, Mai đến xưởng than tổ ong - nơi ông Ngữ làm việc để gặp mặt. Tại đây, giữa Mai và ông Ngữ xảy ra mâu thuẫn, Mai dùng tay đánh ông Ngữ nhiều cái. Sau đó, Mai giật sợi dây chuyền trên cổ ông Ngữ rồi cầm 2 con dao kề vào cổ ông Ngữ buộc tháo chiếc nhẫn vàng đeo trên tay. Mai lấy nhẫn bỏ vào túi sau đó ra về. Ông Ngữ đã đến cơ quan công an trình báo vụ việc.
Bản án sơ thẩm cho biết tại phiên xử, bị cáo Mai cũng không thừa nhận hành vi phạm tội.Sau đó Mai thừa nhận hành vi phạm tội đúng như tố cáo của bị hại và cho rằng cầm tài sản này là để bù đắp những tổn thương về mặt tình cảm, còn việc kề dao vào cổ Ngữ là do Ngữ đã xúc phạm chị, chị chỉ muốn gây áp lực để yêu cầu Ngữ xin lỗi.
HĐXX sơ thẩm nhận định bị cáo Mai không khai báo thành khẩn, không ăn năn hối cãi và có hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản trị giá hơn 16 triệu đồng của bị hại. Xử sơ thẩm, TAND quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã tuyên phạt 7 năm tù đối với bị cáo Mai.
Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Mai cho rằng trong quá trình lấy lời khai tại cơ quan công an đã bị ép cung, mớm cung. Bị cáo Mai đề nghị tòa phúc thẩm triệu tập 1 công an viên và 1 điều tra viên đến tòa đối chất.
Bị cáo Mai cho biết thời điểm xảy ra vụ án, bị cáo sắp lấy chồng. Do ông Ngữ còn thương yêu Mai nên đã nhiều lần đe dọa không cho Mai lấy chồng. Bị cáo thừa nhận có đánh và dùng dao kề vào cổ ông Ngữ nhưng không nhằm cướp tài sản. Việc lấy sợi dây chuyền và nhẫn vàng của ông Ngữ cũng là vô ý vì sợi dây chuyền bị đứt rơi xuống đất.
Mai cũng cho hay sau đó ông Ngữ đã tự nguyện đưa nhẫn và dây chuyền cho bị cáo với ý định muốn níu kéo tình cảm. Ngoài ra, bị cáo Mai cũng khẳng định trước khi vụ án xảy ra, ông Ngữ đã đề nghị Mai quan hệ tình dục tại xưởng than nhưng bị từ chối nên hai bên xảy ra mâu thuẫn.
Trong khi đó, ông Ngữ lại cho rằng lời khai của Mai là hoàn toàn bịa đặt. “Mai đã dùng dao kề vào cổ yêu cầu tôi đưa dây chuyền và nhẫn. Vì quá sợ hãi đến tính mạng nên tôi đã tháo ra và giao toàn bộ cho cô ấy” – ông Ngữ khai.
Đây là vụ án gây nhiều tranh cãi, chính vị kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên toà sơ thẩm cũng phải thốt lên “tôi rất áy náy và cắn rứt khi đề nghị mức án đối với bị cáo”. Tuy nhiên, theo vị kiểm sát viên, hành vi của bị cáo đã cấu thành tội cướp nên phải xử lý. Nhiều chuyên gia cho rằng, Mai không phạm tội cướp tài sản, bởi lẽ trong vụ án này bị hại không hề bị tê liệt ý trí.
Cụ thể, theo cáo trạng, khi Mai kề dao vào cổ Ngữ và yêu cầu tháo nhẫn ra, Ngữ nói cổ (cô ấy) cầm đi, mai nói chuyện…”. Điều này chứng tỏ, bị hại mặc nhiên thừa nhận việc bị cáo cầm giữ tài sản của mình và còn có hẹn nhau nói chuyện tiếp.
Theo ý kiến của Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM: trong vụ án này các cơ quan tố tụng cần chứng minh hai điểm rất quan trọng để xác định tội danh của bị cáo. Thứ nhất là việc sử dụng vũ lực có làm cho nạn nhân sợ hãi đến mức giao tài sản hay không? Và thứ hai là việc sử dụng vũ lực của bị cáo có nhằm vào việc chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, cần phải xác định bằng được việc nạn nhân giao tài sản là sợ tiếp tục bị tấn công hay vì lý do gì. Trong vụ án này, thái độ nạn nhân khá bình thản trong khi đây là khách thể xâm hại rất quan trọng của tội cướp tài sản. Không như tội trộm, khách thể bị xâm hại chỉ là tài sản của nạn nhân. Đối với tội cướp thì cùng lúc xâm hại đến hai khách thể là tài sản và tính mạng nạn nhân. Vì vậy tội cướp rất nguy hiểm.
Trở lại vụ án, thái độ của nạn nhân khi bị tát hai tát vẫn bình thản. Vậy khi bị kè dao vào cổ thì có lo sợ đến mức buộc phải giao tài sản cho bị cáo hay không? Tuy nhiên, tôi chưa thấy được thông tin phản ánh trên các bài viết.
Cũng cần phải lưu ý là phải biết rõ tương quan giưã hai bên mới có thể xác định nạn nhân sợ hãi bị uy hiếp đến mức phải miễn cưỡng giao tài sản hay không. Một đưá bé 15 tuổi cầm nhánh cây liệu có uy hiếp được một thanh niên khoẻ mạnh để chiếm đoạt tài sản hay không?
Vấn đề thứ hai cần làm rõ là việc bị cáo có hành vi tát hai cái và dùng dao phải nhằm vào việc chiếm đoạt tài sản hay chỉ lấy giữ đó rồi mai tính (như nạn nhân từng nói với bị cáo)? Trong vụ án này, mối quan hệ giữa bị cáo và nạn nhân thì không phải gặp một lần để chiếm đoạt mà chắc chắn họ còn gặp nhiều lần khác.
Sau gần 1 ngày xét hỏi, đại diện VKSND TP Đà Nẵng đã đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm vì còn quá nhiều tình tiết cần phải được làm rõ như nội dung các tin nhắn đe dọa của ông Ngữ gửi cho bị cáo Mai trước khi xảy ra vụ án, việc ông Ngữ có tự nguyện đưa tài sản cho bị cáo Mai để tiếp tục nối lại tình xưa…
TAND TP Đà Nẵng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ án để làm rõ bản chất của sự việc.
Thảo Mây (nguoiduatin)
Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét