Ảnh hưởng của thực phẩm nhiễm phóng xạ

Sự hiện diện của chất phóng xạ ở nồng độ cao hơn giới hạn quy định của Nhật Bản trong một số rau quả và sữa vừa qua tại tỉnh Fukushima và vùng lân cận của các nhà máy điện hạt nhân bị nổ đã dấy lên mối quan tâm quốc tế ngày càng cao về sự an toàn của thực phẩm xuất xứ từ vùng nhiễm phóng xạ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông (FAO) đã đưa ra nhận định và khuyến cáo dưới hình thức hỏi - đáp như sau:

Người dân Nhật ngần ngại khi chọn mua thực phẩm tươi sống - Ảnh: AP

* Khả năng ảnh hưởng sức khỏe con người ra sao khi thực phẩm bị ô nhiễm chất phóng xạ?

- Tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm chất phóng xạ sẽ tăng số lượng phóng xạ đối với người tiếp xúc. Hậu quả về sức khỏe sẽ phụ thuộc chất phóng xạ đã được sử dụng và liều lượng thâm nhiễm.

Theo số liệu báo cáo, cho đến nay iốt phóng xạ là các chất gây ô nhiễm chính và nồng độ trong một số mẫu thực phẩm được phát hiện cao hơn giới hạn quy định của Nhật Bản.

Iốt phóng xạ có chu kỳ bán rã tám ngày và sẽ được phân hủy tự nhiên trong vài tuần. Nếu ăn phải liều cao có thể tích lũy trong cơ thể, tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp, đặc biệt ở trẻ em (uống iốt kali là một phương pháp chủ động ngăn chặn sự tích tụ của iốt phóng xạ tại tuyến giáp); cesium phóng xạ cũng được phát hiện với nồng độ thấp hơn trong vài loại thực phẩm và nguồn nước máy, khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm phóng xạ dạng này cũng có thể ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài do liều tích lũy.

* Có phải tất cả thực phẩm ở Nhật Bản đều bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ?

- Không, không phải tất cả loại thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Thực phẩm đã được xuất khẩu trước đây hoặc sản phẩm dạng đóng gói trước khi sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số thực phẩm dạng tươi sống sản xuất tại các khu vực ảnh hưởng bởi phóng xạ có khả năng bị ô nhiễm. Đây là lý do tại sao Chính phủ Nhật Bản đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề một cách khẩn trương (cấm dùng một số thực phẩm ăn ngay tại địa phương; khuyến cáo trẻ em dưới 3 tuổi không nên uống nguồn nước máy).

* Thực phẩm bị nhiễm phóng xạ theo cơ chế nào?

- Thực phẩm có thể bị nhiễm chất phóng xạ khi chúng được phát tán trong không khí do nhà máy hạt nhân bị nổ hoặc do rò rỉ phóng xạ. Trong những trường hợp này, chất phóng xạ rơi xuống từ trên không hoặc kết hợp trong nước mưa hay tuyết, có thể phân tán trên bề mặt của các loại thực phẩm như rau quả, đồng cỏ. Phóng xạ cũng có thể len lỏi vào các dòng sông, ao hồ và biển - nơi mà cá và hải sản có thể gián tiếp bị nhiễm phóng xạ.

Lưu ý là chất phóng xạ không thể làm ô nhiễm thực phẩm đã được đóng hộp hoặc bao gói kín, kể cả thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ (food irradiation).

* Có quy định về tiêu chuẩn phóng xạ trong thực phẩm thuộc lĩnh vực thương mại quốc tế?

- Tiêu chuẩn phóng xạ trong thực phẩm đã được các tổ chức quốc tế như FAO/WHO Codex Alimentarius Commission quy định; ngoài ra bộ y tế các quốc gia có thể xây dựng tiêu chuẩn riêng theo đặc thù từng nước.

Đối với thực phẩm bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ thì FDA của Mỹ và Cộng đồng châu Âu cũng có quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và liều lượng giới hạn phóng xạ (cobalt 60). Cũng nên biết tiêu chuẩn về liều phóng xạ giới hạn (acceptable limits) trong thực phẩm, nguồn nước được đưa ra ở mức độ thấp hơn nhiều so với liều nguy hiểm (lethal dose) để bảo vệ an toàn tối đa cho người tiêu thụ. Khi vượt quá mức quy định, chính phủ sẽ quyết định đưa ra biện pháp phòng chống thích hợp.

* WHO cần đưa ra khuyến cáo gì đối với người dân trong trường hợp khẩn cấp hạt nhân?

- Trường hợp khẩn cấp liên quan đến phóng xạ, trong giai đoạn đầu cần có những hành động ngay lập tức để ngăn chặn hoặc giảm thiểu ô nhiễm phóng xạ. Các biện pháp cơ bản như sau:

+ Di tản người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng.

+ Tập trung gia súc vào chuồng trại kín đáo, nguồn thức ăn thú vật lưu trữ trong kho, che chắn bụi bặm, chống thấm nước.

+ Sản phẩm đã thu hoạch trước được bảo quản kỹ, tránh bụi phóng xạ từ không khí.

+ Không thu hoạch sau khi bụi phóng xạ đã phát tán trong vùng và nên chờ đợi để được hướng dẫn của chính quyền địa phương.

- Trong khu vực xác nhận là bị ô nhiễm nặng: tránh tiêu thụ sữa tươi, các loại rau, quả, tảo, nấm, thủy sản đánh bắt tại địa phương; tránh giết mổ động vật.

ĐÀM HỒNG HẢI
Chi cục phó Chi cục An toàn VSTP/ TP Cần Thơ

Share on Google Plus

About Unknown

Bài viết này được chia sẻ bởi Unknown.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét